APPF-26 “nóng” với chủ đề khủng bố và hạt nhân Triều Tiên
Đối phó với khủng bố quốc tế và chủ nghĩa cực đoan, bạo lực được coi là những thách thức căn bản đối với thế giới và khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
“Các vấn đề chính trị và an ninh” là chủ đề của phiên toàn thể sáng nay (19.1) trong khuôn khổ của APPF-26 dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng.
Phát biểu mở đầu phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch APPF-26 Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận 2 nội dung lớn là “Thúc đẩy ngoại giao nghị viện vì hòa bình, an ninh và thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới” và “Đấu tranh phòng chống khủng bố quốc tế và tội phạm xuyên quốc gia”.
Phiên toàn thể Các vấn đề chính trị và an ninh
Mối đe dọa từ IS không hề biến mất
Những chuyển biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, có ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định ở nhiều khu vực trên thế giới được nhiều đại biểu quan tâm. Đó là việc sử dụng và nguy cơ sử dụng các loại vũ khí hủy diệt đang có xu hướng gia tăng.
Các tranh chấp lãnh thổ, biển đảo, tài nguyên, nguy cơ đối phó với tự do, an ninh và an toàn hàng hải vẫn tiếp diễn. Chủ nghĩa khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia ngày càng gia tăng hoạt động. Bên cạnh đó là các thách thức an ninh mạng, di cư, dịch bệnh và thiên tai chưa từng có…
Đặc biệt, chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên thật sự là mối quan ngại của nhiều quốc gia trong khu vực châu Á- TBD, coi đây là nguy cơ rất lớn đối với xung đột quân sự trên thế giới.
Đại diện nghị viện Canada cho rằng, cùng với những trừng phạt và sức ép mạnh mẽ để chứng tỏ rằng cộng đồng quốc tế phản đối chương trình hạt nhân của Triều Tiên, thì cần thiết phải tăng cường các hoạt động ngoại giao song phương và đa phương để giải quyết vấn đề này.
Nhiều nước ủng hộ phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên; đề nghị các nghị viện thành viên APPF đóng một vai trò tích cực để có một bán đảo Triều Tiên hòa bình, thịnh vượng.
Bên cạnh đó, đối phó với khủng bố quốc tế và chủ nghĩa cực đoan, bạo lực cũng được coi là những thách thức căn bản đối với thế giới, khắp hai bên bờ châu Á- Thái Bình Dương. Theo đại biểu Campuchia, Malaysia và Indonesia, không quốc gia và vùng lãnh thổ nào có thể miễn nhiễm với chủ nghĩa khủng bố. Đặc biệt, nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) dù đã bị đánh bật khỏi một số nước, nhưng mối đe dọa từ chúng vẫn không hề biến mất.
Đại biểu Hàn Quốc nhấn mạnh khủng bố huy động các nguồn "tiền đen" từ buôn lậu vũ khí, buôn bán người… Khủng bố ngày càng sử dụng công nghệ hiện đại trong các vụ tấn công, gây khó khăn trong việc phát hiện và ngăn chặn. Khủng bố lợi dụng mạng internet và mạng xã hội để hoạt động xuyên biên giới. Những yếu tố này đòi hỏi sự hợp tác, cơ chế chia sẻ thông tin chặt chẽ để thúc đẩy cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố toàn cầu. Cần lồng ghép quy tác chống khủng bố vào luật pháp quốc gia.
APPF cần đóng vai trò cốt lõi
“Khi các quốc gia ngừng nói chuyện với nhau thì nghị viện các nước vẫn phải đối thoại với nhau bởi họ là đại diện cho người dân ở các nước” - quan điểm này của ông Saber Chowdhury - nguyên Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới IPU được nhiều nghị sĩ ủng hộ và cho rằng, APPF cần đóng vai trò cốt lõi để thúc đẩy hòa bình, an ninh và thịnh vượng khi ranh giới giữa quốc gia và quốc tế đang bị xóa nhòa.
Nghị sĩ Quốc hội là những người hoạch định chính sách, các nhà lập pháp cần giám sát chính sách ngoại giao của mỗi quốc gia, đảm bảo môi trường ổn định trong khu vực; Ngoại giao nghị viện cần thúc đẩy ngoại giao nhà nước và ngoại giao nhân dân; Các nghị sĩ cần thể hiện quan điểm khi thảo luận các đạo luật liên quan đến chính sách đối ngoại của mỗi quốc gia.
Với quan điểm “ hòa bình, an ninh quốc tế là điều kiện tiên quyết cho hợp tác, phát triển kinh tế, xã hội”, đại diện đoàn Việt Nam, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh những việc mà nghị viện các nước có thể làm để duy trì hòa bình, ổn định của khu vực.
“Là cơ quan lập pháp, các nghị viện một mặt cần nội luật hóa các cam kết quốc tế, tăng cường giám sát việc thực hiện nghĩa vụ và cam kết đối với các công ước và luật pháp quốc tế”, ông Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh.
“Mặt khác, các nghị viện cần xem xét ban hành, sửa đổi bổ sung những văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến việc thúc đẩy sự hiểu biết, hợp tác giữa các quốc gia trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của nhau trên cơ sở luật pháp quốc tế, các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc về tôn trọng chủ quyền, thể chế chính trị, không can thiệp vào công việc nội bộ, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vữ lực, giải quyết các tranh chấp, xung đột bằng biện pháp hòa bình vì một khu vực Châu Á-Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững”, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nói.
Theo Hương Giang-Hoàng Lê (VOV)