Vi phạm về nồng độ cồn khi tham gia giao thông: Xử lý nghiêm
Tăng cường tuần tra kiểm soát, kiên quyết xử lý nghiêm người tham gia giao thông vi phạm về nồng độ cồn là nhiệm vụ trọng tâm được lực lượng Cảnh sát giao thông CA tỉnh triển khai thực hiện công tác bảo đảm an toàn trật tự giao thông trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.
Xử lý kết hợp tuyên truyền
Theo chân tổ tuần tra kiểm soát, phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ, đường sắt, CA tỉnh, chốt chặn xử lý vi phạm về nồng độ cồn tại QL 19, đoạn gần ngã ba Ông Thọ (TP Quy Nhơn); trong vòng 1 giờ, đã có gần chục trường hợp người điều khiển ô tô, xe máy có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép bị lập biên bản xử phạt. Hầu hết người vi phạm đều viện lý do, cuối năm gặp bạn bè, tiệc tùng nên uống dăm ba ly và vẫn có thể làm chủ tốc độ. Như trường hợp ông Phan Hữu A. (Tuy Phước) đi xe máy, bị phạt do nồng độ cồn đo được là 0,721 miligam/lít khí thở, vượt 0,4 miligam và thêm lỗi không mang giấy phép lái xe, không có bảo hiểm xe, mức phạt là 3,5 triệu đồng, so với thu nhập từ nghề thợ xây của ông là quá nhiều.
Theo Nghị định 46/2016/NÐ-CP của Chính phủ, hành vi vi phạm nồng độ cồn có mức phạt cao nhất là từ 16 - 18 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 4 - 6 tháng đối với người điều khiển ô tô và các loại phương tiện như ô tô; phạt tiền từ 3 - 4 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 3 - 5 tháng đối với người điều khiển mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện).
Để thực hiện có hiệu quả đợt cao điểm kiểm soát nồng độ cồn của lái xe khi tham gia giao thông dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, Phòng CSGT CA tỉnh xây dựng kế hoạch chuyên đề, thực hiện ít nhất mỗi tuần 3 buổi phối hợp với CA các huyện, thị xã, thành phố khảo sát, nắm tình hình thực tế, địa điểm để lập chốt kiểm tra, xử lý vi phạm. Theo trung tá Ngô Đức Hoài, Phó trưởng Phòng CSGT CA tỉnh, nếu như trước đây, khi phát hiện người điều khiển phương tiện có biểu hiện sử dụng rượu, bia CSGT mới kiểm tra và xử lý, thì đợt ra quân này, nhằm kết hợp tuyên truyền, giáo dục người dân sử dụng rượu, bia có trách nhiệm khi tham gia giao thông nên tất cả các phương tiện đang lưu thông trên các tuyến đường đều được dừng để kiểm tra. “Lực lượng CSGT sẽ liên tục thay đổi địa điểm xử lý, tránh tình trạng các “ma men” đối phó”, trung tá Ngô Đức Hoài nói.
Tăng cường tuần tra, kiểm soát
Qua công tác điều tra nguyên nhân dẫn đến các vụ TNGT cho thấy, bên cạnh yếu tố khách quan có nguyên nhân chủ quan của người tham gia giao thông; trong đó, sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông dẫn đến không làm chủ tay lái, gây tai nạn chiếm tỉ lệ không nhỏ.
Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các lỗi vi phạm và số vụ TNGT liên quan đến việc lạm dụng rượu, bia, thời gian qua, lực lượng CSGT đã phối hợp với các lực lượng chức năng thường xuyên ra quân, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Cụ thể, trong hơn một tháng ra quân, với sự nỗ lực, triển khai đồng bộ các giải pháp, CSGT toàn tỉnh đã kiểm tra, lập biên bản gần 1.000 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, trong đó có 55 ô tô, phạt tiền gần 2 tỉ đồng.
Tuy vậy, việc đo nồng độ cồn còn gặp khó khăn, bởi khi bị CSGT dừng xe, người điều khiển phương tiện lúc này đã quá chén nên hay “nói lý”. Thượng úy Đỗ Hoàng Ngọc Vũ, Phòng CSGT đường bộ, đường sắt, CA tỉnh, chia sẻ: “Xử lý vi phạm đối với người say rượu rất khó, do họ không hợp tác, cố tình chống đối vì không làm chủ được hành vi của mình. Song bằng nhiều biện pháp, chúng tôi đã vừa mềm dẻo, vừa cương quyết xử lý những trường hợp “cù nhây” theo đúng quy định”.
Ngoài các lực lượng chức năng thường xuyên ra quân tuần tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm nồng độ cồn, rất cần sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đoàn thể; đặc biệt là người tham gia giao thông cần nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về nồng độ cồn, “đã uống rượu, bia thì không lái xe”. Từ đó, góp phần bảo đảm trật tự ATGT trên địa bàn.
KIỀU ANH