Mua xe điện đảm bảo an toàn
Với ưu điểm gọn nhẹ, đơn giản, dễ sử dụng, xe đạp điện và xe máy điện được nhiều người lựa chọn sử dụng. Ði cùng với đó là mối quan tâm làm sao tránh mua phải hàng trôi nổi, hàng nhái kém chất lượng trên thị trường để đảm bảo an toàn.
Tại TP Quy Nhơn, các cửa hàng bán xe điện tập trung nhiều trên đường Nguyễn Thái Học, Trần Hưng Đạo, bày bán khá nhiều loại xe điện, gồm một số thương hiệu phổ biến như DK, Pega, Anbico, HTC, Osaka, CMV, Honda, Hyundai… Gần như toàn bộ là hàng lắp ráp trong nước, không có xe nhập khẩu nguyên chiếc.
Giá xe đạp điện (XĐĐ) hiện giảm mạnh so với cách đây vài năm, dao động trong khoảng 6,5 - 10 triệu đồng/chiếc; xe máy điện (XMĐ) 10 - 15 triệu đồng/chiếc tùy theo mẫu mã, thương hiệu và đời xe. Phân khúc bán chạy nhất tầm 7 - 8 triệu đồng/chiếc XĐĐ, 10 - 12 triệu đồng/chiếc XMĐ. Khách hàng đa số là học sinh, số ít là người lớn tuổi. Theo các chủ cửa hàng, sức mua xe điện nói chung giảm so với trước.
Theo giới kinh doanh xe điện, cách đây 2 -3 năm, khoảng 65% xe bày bán trên thị trường là hàng không chính hãng hay còn gọi là xe “cỏ”. Hiện nay, khách hàng quan tâm nhiều hơn đến chất lượng, cùng với sự siết chặt quản lý của các cơ quan chức năng, lượng xe “cỏ” đã giảm đáng kể. Hiện có khoảng 35%-40% số lượng xe là hàng nhái mẫu mã của các thương hiệu tên tuổi hoặc lắp ráp linh kiện, phụ tùng theo kiểu chắp vá “râu ông nọ cắm cằm bà kia”. “Ngay cả tem hợp quy cũng bị giả, đến dân trong nghề nhiều khi cũng không phân biệt nổi. Vì vậy, một số thương hiệu lớn như Pega đã áp dụng công nghệ quét mã vạch QR hiện đại, khó làm giả” - ông Nguyễn Tuấn Khoa, Giám đốc Công ty TNHH TM Nguyễn Khang, một đơn vị phân phối xe điện trên địa bàn tỉnh, cho biết.
Xe chính hãng có thể chạy tốt tới 3 năm, nhưng hàng trôi nổi, hàng nhái chỉ chạy khoảng 1 - 1,5 năm là xuống cấp, hay đổ “bệnh vặt”. “Để mua xe chính hãng, chất lượng tốt, nên tham khảo thông tin trên trang web của nhà sản xuất, sau đó tìm đến đại lý phân phối chính thức để được nhân viên bán hàng tư vấn kỹ lưỡng” - bà Lê Thị Nghĩa, quản lý cửa hàng xe điện Nguyễn Khang, khuyên.
Cần để ý một số đặc điểm khác biệt giữa xe tốt và xe kém chất lượng. Xe chính hãng có khung sườn chắc chắn; mối hàn nối liền mạch, nhẵn, nước sơn sáng bóng, đều màu, không lem luốc và khó bong tróc; trên động cơ, thân xe… có số khung, logo, thương hiệu nhà sản xuất in dập nổi. Người mua cũng cần hỏi rõ giấy tờ kèm theo như giấy bảo hành, hướng dẫn sử dụng. Xe chính hãng có giấy tờ với đầy đủ thông tin như tên xe, loại xe, thông số kỹ thuật. Giấy bảo hành có nội dung ghi rõ ràng, cụ thể bảo hành cho bộ phận nào, trong thời gian bao lâu. Hàng trôi nổi thường được bảo hành chung chung cho toàn xe, trong thời gian ngắn. Giá xe chính hãng được niêm yết công khai, thống nhất trên toàn quốc và chỉ giảm một vài trăm ngàn khi có chương trình khuyến mãi. Hàng giả, hàng nhái được bán với giá tương đương với hàng chính hãng nhưng mức giá thay đổi, chênh lệch đáng kể tùy theo cửa hàng.
“Muốn xe bền, người sử dụng cần tuân thủ hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất, như không chở quá tải; khi lên dốc cao hoặc chở nặng nên đạp trợ lực thay vì vặn hết tay ga; tránh đi qua những chỗ ngập nước, hạn chế phơi xe ngoài mưa làm chập cháy mạch điện” - ông Nguyễn Tấn Nhựt, chủ cửa hàng xe điện Minh Hiền tư vấn.
TỐ UYÊN