HẠT KIỂM LÂM HUYỆN HOÀI ÂN:
Tăng cường công tác bảo vệ rừng
Rút kinh nghiệm công tác quản lý, bảo vệ rừng năm 2017, ngay từ cuối năm 2017, đầu năm 2018, Hạt Kiểm lâm huyện Hoài Ân đã tập trung triển khai nhiều giải pháp quyết liệt trong công tác bảo vệ rừng.
Trước hết, Hạt Kiểm lâm (HKL) huyện đã chủ động tham mưu UBND huyện ban hành các văn bản chỉ đạo về công tác bảo vệ, phát triển rừng, kế hoạch kiểm tra, giám sát, chốt chặn việc khai thác, vận chuyển, kinh doanh, chế biến lâm sản trái phép trên địa bàn huyện.
Cuối năm 2017, HKL huyện đã phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan tổ chức chốt chặn 24/24 giờ tại các cửa rừng thôn T2 xã Bok Tới, thôn T6 xã Đak Mang đạt hiệu quả thiết thực. Đơn vị đã mở thêm một điểm chốt chặn tại thôn Nghĩa Điền, xã Ân Nghĩa; nhờ đó, tình hình khai thác, vận chuyển gỗ trái phép không những của Hoài Ân mà của xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Thạnh cũng chuyển biến rõ rệt. HKL huyện Hoài Ân và HKL huyện Vĩnh Thạnh đã tổ chức hội nghị ký kết Quy chế phối hợp bảo vệ rừng (BVR) vùng giáp ranh 2 huyện Vĩnh Thạnh và Hoài Ân. Nhờ mở điểm chốt chặn 24/24 giờ tại thôn T6, xã Đak Mang, không chỉ BVR của Hoài Ân mà việc khai khác và vận chuyển gỗ trái phép từ An Lão qua Hoài Ân cũng giảm rõ rệt. Vì vậy, Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ đặc dụng An Toàn, huyện An Lão và HKL Hoài Ân, UBND xã Đak Mang cũng triển khai ký kết quy chế phối hợp BVR tại 2 địa phương. HKL huyện Hoài Ân cũng đang phối hợp với HKL 2 huyện Phù Mỹ, Phù Cát xây dựng bản ký kết giao ước phối hợp BVR giáp ranh của 3 huyện, bắt đầu từ quý 1.2018.
Theo ông Nguyễn Văn Hòa, Hạt trưởng HKL huyện Hoài Ân: Mặc dù Hạt đã giao trách nhiệm cho từng cán bộ KL phụ trách địa bàn, nhưng do địa bàn rộng, phức tạp, toàn huyện có trên 27.000 ha rừng phòng hộ, trong khi các thủ đoạn vận chuyển gỗ, phát rẫy của các đối tượng rất tinh vi nên việc BVR hết sức khó khăn. Để làm tốt công tác BVR trong thời gian tới, Hạt đã tham mưu UBND huyện chỉ đạo phối hợp với các đơn vị, ngành chức năng tăng cường công tác tuyên truyền Luật Bảo vệ và phát triển rừng; chú trọng công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR). Tăng cường kiểm tra giám sát việc mở đường khai thác gỗ rừng trồng trái phép; xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm.
Chính quyền các địa phương trong huyện kiện toàn Ban chỉ huy thực hiện các vấn đề cấp bách BVR, PCCCR; xây dựng và triển khai thực hiện phương án, kế hoạch BVR, PCCCR cấp xã; thường xuyên tổ chức kiểm tra, truy quét ngăn chặn tình trạng phá rừng, khai thác lâm sản trái phép; tổ chức ký cam kết không khai thác, tàng trữ lâm sản trái phép, không để xảy ra đốt nương, làm cháy rừng đối với các hộ gia đình tại xã có diện tích rừng lớn...
Cùng với việc tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân, các địa phương chú trọng xây dựng lực lượng QL-BVR theo phương châm “4 tại chỗ”; kiện toàn các tổ, đội quần chúng tham gia BVR, trong đó nòng cốt là dân quân tự vệ, công an viên, cán bộ lâm nghiệp xã, thôn bản. Các tổ, đội này có nhiệm vụ thường xuyên tuần tra, kiểm soát, nắm tình hình đối với các khu vực trọng điểm, các khu vực có nguy cơ cháy rừng cao và các điểm buôn bán, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép; kịp thời phát hiện, ngăn chặn có hiệu quả.
VĂN HÙNG