Chú trọng “hậu kiểm”, tránh chồng chéo trong thanh tra
Ðó là những vấn đề quan trọng được quan tâm đề cập tại Hội nghị Tổng kết công tác thanh tra năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018 do Thanh tra tỉnh tổ chức chiều 19.1.
Một trong những kết quả nổi bật của ngành Thanh tra trong năm 2017 là hoạt động xử lý sau thanh tra có nhiều tiến bộ. Ngành Thanh tra cả nước đã tiến hành đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 3.546 kết luận và quyết định xử lý sau thanh tra, thu hồi và xử lý khác 856/1.358 tỉ đồng (đạt 63%), 4.126/4.179 ha đất (đạt 99%), đôn đốc xử lý 971 tập thể, 4.206 cá nhân; chuyển cơ quan chức năng khởi tố 16 vụ, 29 đối tượng.
Tránh chồng chéo trong thanh tra các DN là yêu cầu quan trọng đặt ra trong năm 2018.
- Trong ảnh: Thanh tra về vệ sinh an toàn thực phẩm tại một DN kinh doanh thực phẩm ở TP Quy Nhơn
Tập trung xử lý sau thanh tra
Theo đánh giá của Thanh tra Chính phủ, Bình Định nằm trong nhóm các địa phương tích cực thực hiện công tác đôn đốc, kiểm tra việc xử lý sau thanh tra, cùng với Hà Nội, Thái Nguyên, Quảng Trị, Bình Dương, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Tây Ninh, Hậu Giang…
4 cuộc thanh tra chuyên đề, chuyên đề diện rộng năm 2018:
1- Công tác quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, đất tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế.
2- Công tác quản lý và khai thác tài nguyên, khoáng sản.
3- Về thuế để chống thất thu thuế, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về thuế, tập trung thuế xuất nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập DN.
4- Công tác quản lý Nhà nước và thực hiện pháp luật trong hoạt động mua sắm, đấu thầu thuốc chữa bệnh và trang thiết bị y tế.
Trong năm qua, toàn ngành Thanh tra tỉnh đã triển khai 91 cuộc thanh tra tại 151 đơn vị; phát hiện 56 đơn vị có vi phạm, sai phạm, trong đó sai phạm về kinh tế 12.629 tỉ đồng và 1.540.896 m2 đất các loại; kiến nghị thu hồi về cho Nhà nước 5,677 tỉ đồng và 15.242 m2 đất các loại. Kết quả xử lý sau thanh tra, đến nay đã thu hồi được hơn 4 tỉ đồng (đạt tỉ lệ 77,2%) và 3.072 m2 đất các loại. Các cơ quan có thẩm quyền đã kiểm điểm, xử lý hành chính 16 tập thể và 41 cá nhân; hoàn tất việc chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra 4 vụ việc có dấu hiệu tội phạm.
Tuy nhiên, theo Phó Chánh Thanh tra tỉnh Nguyễn Xuân Sơn, việc xử lý kết quả sau thanh tra có trường hợp còn kéo dài, thiếu kiên quyết; chưa phù hợp với những vi phạm đã phát hiện. Công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra tại một số ngành, địa phương chưa được chú trọng thực hiện thường xuyên, kiên quyết, do đó hiệu quả xử lý chưa cao.
Vì thế, trong năm 2018, ngành Thanh tra sẽ tiếp tục tăng cường theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra, nhất là những kiến nghị về sửa đổi cơ chế, chính sách. “Chúng tôi sẽ thanh tra lại các kết luận thanh tra của các ngành, địa phương khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật”, ông Sơn cho biết.
Tránh chồng chéo từ khi xây dựng kế hoạch
Theo Chánh Thanh tra tỉnh Nguyễn Văn Thơm, trong năm 2017, Thanh tra tỉnh đã tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các ngành, địa phương trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra năm 2017. Mục tiêu là tránh chồng chéo, trùng lắp; bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế, đúng trọng tâm chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ. Đồng thời, tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Văn bản số 2943/UBND-NC ngày 12.6.2017 chỉ đạo các ngành, địa phương quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17.5.2017 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với DN.
Tránh tình trạng chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, nhất là đối với các DN cũng là yêu cầu quan trọng đối với nhiệm vụ công tác năm 2018. Phát biểu tại hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018 do Thanh tra Chính phủ tổ chức ngày 16.1, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cũng nhấn mạnh yêu cầu này. Đặc biệt, ngành Thanh tra cần tránh trùng lắp với hoạt động giám sát của Quốc hội và thanh tra của các cơ quan Đảng.
Chánh Thanh tra Bộ TN&MT Lê Quốc Trung cho rằng, để đạt được mục tiêu đó, cần phải tránh chồng chéo ngay từ khi xây dựng kế hoạch thanh tra. Có vậy mới chấm dứt tình trạng khi một đoàn thanh tra đến DN, đơn vị mới biết là “đụng” đoàn thanh tra trước đó. Trong khi đó, Chánh Thanh tra Sở TN&MT Trần Vũ Thanh Hùng đặt vấn đề, cần phải có tính toán, bước đi cụ thể để tiến tới thanh tra các ngành, địa phương sử dụng kết quả thanh tra của nhau, qua đó tránh được tình trạng “thanh tra đi, kiểm tra lại”.
NGUYỄN VĂN TRANG