THỦ TƯỚNG NGUYỄN XUÂN PHÚC:
Có tâm huyết, khát vọng thì mới sáng tạo, hành động mạnh mẽ
Làm việc với cán bộ chủ chốt của tỉnh trưa 20.1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ mong muốn lãnh đạo tỉnh phải có sự quyết tâm, thể hiện khát vọng phát triển với quan điểm tăng trưởng bao trùm, bởi “có tâm huyết, có khát vọng thì mới sáng tạo và có hành động mạnh mẽ”. Thủ tướng cũng đặt ra yêu cầu “phải tự mình cứu mình, tự lực tự cường để phát triển”.
Tại cuộc làm việc, sau khi nghe Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng báo cáo tóm tắt tình hình phát triển KT-XH năm 2017 và những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá cao tinh thần vượt khó của Bình Định trong bối cảnh gặp thiên tai liên tiếp trong 2 năm 2016 và 2017. “Tôi đã xem bảng chỉ tiêu của tỉnh, KT-XH phát triển toàn diện, mang lại dấu ấn mạnh mẽ”, Thủ tướng khẳng định.
Quy hoạch “kinh tế mở”
Thủ tướng nhận xét, cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch đúng hướng. Một số thương hiệu lớn đã vào Bình Định. Sản xuất thủy sản tăng nhanh. Nhiều mô hình sản xuất mới xuất hiện như cánh đồng lớn sản xuất hàng hóa, chuỗi sản xuất cây dược liệu dưới tán rừng, chuỗi sản xuất cá ngừ theo công nghệ Nhật Bản… Đặc biệt, du lịch Quy Nhơn đã thành thương hiệu ấn tượng.
Giữa “bức tranh rất sáng” ấy, Thủ tướng cũng chỉ ra rằng, tăng trưởng của tỉnh có dấu hiệu chậm lại (năm 2017 đạt 6,72% so với 7,7% năm 2016), tăng trưởng “dưới mức tiềm năng”. Các khu công nghiệp, khu kinh tế (KKT) chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư. Nguồn lực đầu tư còn hạn chế, nhiều dự án chậm triển khai. Bên cạnh đó, tình trạng phá rừng đáng lo ngại; tỉ lệ hộ nghèo cao - 10,65%, trong khi cả nước khoảng 6,9%.
Về định hướng phát triển trong thời gian đến, Thủ tướng cho rằng, phải tạo ra đột phá về du lịch, đặc biệt là nâng cao chất lượng dịch vụ, đổi mới xúc tiến quảng bá du lịch, tăng cường kết nối với các trung tâm du lịch của cả nước và quốc tế. Phát triển thủy sản thành ngành kinh tế lớn, biến cá ngừ đại dương thành thương hiệu lớn của Bình Định. Chú trọng thu hút đầu tư vào chế biến thủy sản, hệ thống kho bảo quản, kho cấp đông để nâng giá trị sản phẩm.
“Không chỉ tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, đối thoại, giải quyết khó khăn cho DN mà còn tiếp tục giải quyết tình trạng nhà đầu tư treo, dự án treo. Bình Định phải cụ thể hóa chương trình hành động của Chính phủ với phương châm “10 chữ”: kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”
Thủ tướng NGUYỄN XUÂN PHÚC
Mở rộng ra, sự phát triển của Bình Định cần đặt trong mối quan hệ với cả vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên. Việc quy hoạch các ngành kinh tế cần đặt trên quan điểm “kinh tế mở” nhằm khai thác lợi thế chung của cả vùng; cần làm rõ hơn quy hoạch phát triển cảng, sân bay - “trái tim” của nền kinh tế và nòng cốt của sự phát triển. Đồng thời, điều chỉnh quy hoạch mới đảm bảo phát triển nhanh, bền vững, từ cảng, từ ngành du lịch đến KKT Nhơn Hội.
“KKT Nhơn Hội nên phát triển ở quy mô nào, chứ không phải giữ 12.000 ha lớn như thế ở sát biển để phát triển công nghiệp. Cần phải tính xem cần giữ cái gì, chứ không thể khư khư như cũ, trong khi rất khó lấp đầy diện tích”, Thủ tướng đặt vấn đề.
Thủ tướng cũng gợi ý, Bình Định cần tập trung phát triển cả 4 trụ cột kinh tế, đó là những lợi thế vượt trội của Bình Định: ngư nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao - dịch vụ cảng, logistics - du lịch - công nghiệp chế biến. Đặc biệt, phát triển có hiệu quả Cảng Quy Nhơn.
Sẽ xem xét lại “vấn đề” Cảng Quy Nhơn
Cảng Quy Nhơn gắn chặt với lịch sử kháng chiến, được hình thành “từ mồ hôi nước mắt, xương máu của quân và dân Quân khu V, trong đó có Bình Định”; là nơi xuất phát của những đoàn cán bộ tập kết ra Bắc. Cảng Quy Nhơn là niềm tự hào, là vị thế của tỉnh Bình Định; là lối ra biển của cả Tây Nguyên, Nam Lào, Đông - Bắc Campuchia và Thái Lan. Từng lời rành rọt, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Tùng phân tích ý nghĩa, tầm quan trọng của Cảng Quy Nhơn trong thực tế phát triển KT-XH, an ninh quốc phòng lẫn trong tâm thức, tình cảm của người dân Bình Định.
“Vừa rồi, sau cổ phần hóa, 100% cổ phần của Cảng Quy Nhơn đã thuộc về tư nhân. Cán bộ và nhân dân Bình Định rất buồn, mong muốn Trung ương làm sao để Cảng Quy Nhơn lại là của Nhà nước”, Bí thư tha thiết nói.
Các thành viên của đoàn công tác cũng bày tỏ sự đồng thuận cao với ý kiến của Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Tùng. Tiến sĩ Trần Du Lịch - thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, chia sẻ đây cũng là vấn đề ông “cực kỳ bức xúc”. “Quy Nhơn không còn cảng thì không còn lợi thế phát triển”, ông thẳng thắn nói.
Còn Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đề nghị các ngành hết sức quan tâm đề nghị này của tỉnh, phải làm việc hết sức chặt chẽ. Ông Dũng cho rằng, trong quá trình thoái vốn tại Cảng Quy Nhơn “dứt khoát có vấn đề”, vì giá trị tài sản lớn như thế nhưng khi thu lại cho Nhà nước thì rất thấp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt quan tâm đến các ý kiến xung quanh đến “vấn đề” Cảng Quy Nhơn; đồng thời cho biết sau khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ, Thủ tướng sẽ xem xét kỹ lưỡng, từ đó đề ra phương án quản lý tốt hơn để cảng phát triển.
Tháo gỡ nhiều nút thắt
Tại cuộc làm việc, trên cơ sở đề nghị, phân tích của lãnh đạo các bộ, Thủ tướng đã cho ý kiến, giải quyết ngay một số kiến nghị của Bình Định theo hướng tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho tỉnh. Cụ thể, thống nhất chủ trương đầu tư dự án Cảng cá và Khu neo đậu trú bão Tam Quan (Hoài Nhơn), tiếp tục hỗ trợ kinh phí đầu tư nâng cấp các hồ đập xuống cấp, bổ sung khu nuôi tôm công nghệ cao Mỹ Thành (Phù Mỹ) vào quy hoạch tổng thể khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của cả nước.
Trong ngày 20.1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác Chính phủ đã đến dâng hoa tại tượng đài Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành. Thủ tướng cũng đến thăm Nhà máy thép Hoa Sen- Nhơn Hội, Quần thể du lịch nghỉ dưỡng FLC Quy Nhơn, thị sát hiện trường thi công tuyến QL 19 nối từ Cảng Quy Nhơn đến QL 1A.
Chiều 20.1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự chương trình “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” của Hội CTÐ Việt Nam tổ chức tại huyện Tuy Phước. Tại đây, Thủ tướng đã trao 100 suất quà cho người dân thị trấn Tuy Phước và các xã Phước Lộc, Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Nghĩa.
Về nguồn vốn cho dự án đầu tư QL 19 đoạn nối Cảng Quy Nhơn đến QL 1A, Thủ tướng đồng ý với đề xuất của chủ nhiệm văn phòng chính phủ Mai Tiến Dũng - sử dụng nguồn vốn dự phòng ngân sách địa phương và bộ, ngành để đẩy nhanh tiến độ thi công. Đồng thời, yêu cầu các bộ, ngành liên quan sớm trình Ban Thường vụ Quốc hội bổ sung dự án này vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 để được sử dụng nguồn vốn dự phòng ngân sách Trung ương từ đầu năm 2019.
Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Công Thương giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư dự án kéo điện lưới quốc gia ra xã đảo Nhơn Châu (TP Quy Nhơn); khẩn trương triển khai dự án để ngay trong năm 2018 có thể cấp điện cho 2.500 người dân sống trên xã đảo có vị trí chiến lược này.
Bài: NGUYỄN VĂN TRANG, Ảnh: VĂN LƯU