Tết này rộn rã bài chòi
Sự kiện bài chòi trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại thật sự trở thành nguồn cảm hứng, tạo hiệu ứng mạnh mẽ, khiến nhiều địa phương trong tỉnh chọn đó là hoạt động văn hóa “đinh” dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất - 2018.
Hội trường Trung tâm VH-TT&TT huyện Tuy Phước 2 ngày 18 -19.1 rộn ràng tiếng hô, hát bài chòi và thanh âm của trống chầu, mõ tre, sanh sứa… 28 hạt nhân phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng đến từ 8 xã trong huyện đã gác lại việc nhà tháng Chạp để tham gia đợt tập huấn hô, hát bài chòi dân gian (lần 2) do huyện tổ chức, nhằm chuẩn bị cho đợt phục vụ cao điểm mùa Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Đa số học viên ở độ tuổi 30 - 50, nhưng vẫn có một số ngoại lệ như cụ Đặng Văn Tuân, 75 tuổi ở xã Phước Lộc, hay cô học trò 15 tuổi Mai Kiều Thắm ở xã Phước Hưng.
Theo 3 nghệ nhân đứng lớp: Minh Đức, Minh Liễu và Nguyễn Phú - cũng là cán bộ của Trung tâm VH-TT&TT huyện Tuy Phước - tuy thời gian tập huấn rất ngắn nhưng đa số học viên đã cơ bản hô, hát được, lại nhiệt tình học, về nhà chịu khó ôn bài, tự tập luyện với nhau… nên đạt hiệu quả cao.
Nghệ nhân Nguyễn Phú chia sẻ: “Hy vọng sau đợt tập huấn này, bên cạnh các xã có phong trào mạnh, tự tổ chức hội đánh bài chòi cấp xã như Phước Lộc, Phước Sơn…, sẽ có thêm những xã khác quan tâm phát hiện, bồi dưỡng hạt nhân, gầy dựng phong trào để đủ nội lực tự tổ chức ở địa phương. Trước mắt, chắc chắn là các chương trình bài chòi do huyện tổ chức dịp Tết năm nay sẽ sôi nổi do có thêm nhiều gương mặt mới”.
Theo kế hoạch tổ chức các hoạt động văn hóa mừng Đảng, mừng Xuân Mậu Tuất - 2018 đã được UBND huyện Tuy Phước ban hành, Hội thi “Đánh bài chòi cổ dân gian” (lần 3) sẽ được tổ chức tại chợ Gò từ mùng 1 đến mùng 2 Tết. Bên cạnh đó, trong những ngày diễn ra Lễ hội Đô thị Nước Mặn (tại chùa Bà, xã Phước Quang), huyện cũng tổ chức hội đánh bài chòi cổ để phục vụ du khách, bà con thập phương vui xuân, trẩy hội.
Là địa phương đầu tiên tổ chức hoạt động diễn xướng, giao lưu hô, hát bài chòi vào dịp Tết Nguyên đán, có năm kéo dài đến hết tháng Giêng, năm nay TP Quy Nhơn lại tiếp tục tổ chức Hội thi diễn xướng bài chòi dân gian (lần 6). Tết này, ngoài hội bài chòi do Trung tâm VH-TT&TT TP Quy Nhơn tổ chức trước Quảng trường Trung tâm Thương mại Quy Nhơn, cạnh Hoa viên Quang Trung còn có một hội bài chòi khác do Trung tâm Văn hóa tỉnh thực hiện.
Huyện Hoài Nhơn thì đặc biệt hơn hẳn. Ở huyện này, toàn bộ 17 xã, thị trấn đều có CLB bài chòi cổ. Bài chòi vốn đã “phủ sóng” trên khắp địa bàn huyện, Tết này chắc chắn còn rộng khắp, dày thêm. Một số xã có phong trào mạnh, có kinh nghiệm tổ chức như Hoài Thanh, Tam Quan Bắc… đang háo hức chuẩn bị cho mùa diễn cao điểm Tết Nguyên đán sắp tới. Bên cạnh đó, mỗi địa phương còn cử hạt nhân để tham gia hoạt động này ở cấp huyện, đó là Liên hoan Hội đánh bài chòi cổ dân gian (lần thứ 3) sẽ diễn ra tại Đền thờ danh nhân văn hóa Đào Duy Từ.
Còn ở huyện Tây Sơn, như thường lệ, hội đánh bài chòi sẽ được tổ chức từ chiều mùng 4 và cả ngày mùng 5, phục vụ khách du lịch, nhân dân trẩy hội Đống Đa.
AN NHIÊN