Văn hóa dân gian Miền đất võ
Không khô khan như lối viết nghiên cứu quen thuộc ở các công trình khoa học, với cách trình bày đầy cảm xúc, 110 trang nội dung của sách Văn hóa dân gian Miền đất võ của tác giả Nguyễn Thanh Mừng là cẩm nang bỏ túi cho những ai muốn tìm hiểu về văn hóa dân gian Bình Định.
Văn hóa dân gian Miền đất võ ra mắt bạn đọc cuối năm 2017, là sách Nhà nước phát hành - thuộc Dự án Công bố và phổ biến tài sản văn hóa - văn nghệ dân gian các dân tộc Việt Nam (do Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tổ chức thực hiện). Trong phạm vi rộng lớn, mênh mông về đề tài thuộc phạm trù văn hóa dân gian ở một vùng đất, tác giả Nguyễn Thanh Mừng chọn những chủ đề tâm đắc, đặc biệt là đã qua trải nghiệm, đã thao thức trong đó, để giới thiệu, với cảm hứng ngợi ca và tự hào rõ nét.
Đối tượng văn hóa dân gian được nói đến trong sách có khi chỉ là về một tên gọi, kiểu nghĩ, một góc cảm xúc... Ở chủ đề đầu tiên có tựa “Đất võ trời văn”, tác giả đã dành dung lượng nhiều nhất - 21 trang - để nói về mỹ danh của quê hương mình: “Miền đất võ”. “Đó là sự xác tín của bốn phương và niềm tự hào của người Bình Định, khái quát những thành tựu huy hoàng qua hơn năm trăm năm đấu tranh và xây dựng. Khái niệm “Miền đất võ” dung chứa một truyền thống đặc sắc là truyền thống thượng võ đúc kết qua nhiều thế hệ mà lịch sử xứ sở này đã minh chứng…” - tác giả viết. Với bài viết này, sau khi đưa ra tên gọi, với dẫn chứng bằng thực tế lịch sử và văn hóa, tác giả đã lý giải thuyết phục về cơ sở ra đời của tên gọi. Lý giải “Miền đất võ” nhưng tác giả không quên ghi dấu vào lòng bạn đọc chiều sâu của quê hương - ở “Miền đất võ” còn có “văn”, 2 phẩm cách này song hành tồn tại và tôn nhau lên.
Tương tự, những chủ đề khác: “Nghi lễ Bàu Đá: “Vọng lên đỉnh núi cụng vài ly””, “Tư duy Bình Định”, “Số phận một anh hùng dân gian”, “Sứ mệnh văn hóa của sông nước vùng kinh thành xưa ở Bình Định”… cũng được tác giả thể hiện một cách mềm mại, giàu cảm xúc. Tính nghiên cứu, phân tích hàn lâm được chủ ý thay bằng tả, kể, hồi tưởng, đúc kết và chiêm nghiệm, mang đậm dấu ấn, tình cảm cá nhân.
Vì những lẽ như trên, nếu xếp cuốn sách nghiên cứu văn hóa dân gian này vào dạng sách ghi chép, tản mạn có vẻ hợp hơn. Nhưng có lẽ, thể tài, cách thể hiện nào không quan trọng bằng hiệu quả truyền đạt. Vả lại, với không ít bạn đọc, việc đọc một cuốn sách văn hóa vùng đất được viết theo lối mềm mại, tung tẩy, chứa đầy tình cảm, sẽ dễ “tiêu hóa” hơn, đọng lại lâu hơn.
SAO LY