Phòng chống cháy nổ tại các cơ sở kinh doanh phế liệu: Cần được siết chặt
Vụ nổ kho phế liệu tại làng Quan Ðộ (xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) ngày 3.1.2018, làm 2 người chết, 10 người bị thương, hàng chục căn nhà bị đổ sập, một lần nữa báo động về hiểm họa cháy nổ từ các cơ sở thu mua, kinh doanh phế liệu. Tại Bình Ðịnh, chính quyền và ngành chức năng đã triển khai nhiều giải pháp ngăn ngừa, tuy nhiên, ở hầu hết các cơ sở phế liệu, vẫn diễn ra tình trạng vi phạm các quy định phòng chống cháy nổ.
Theo Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC64) CA tỉnh, trên địa bàn tỉnh Bình Định có khoảng 336 cơ sở thu mua, kinh doanh phế liệu. Phần lớn các cơ sở này nằm xen trong khu dân cư và công tác phòng chống cháy nổ (PCCN) chưa được quan tâm đúng mức.
Các hộ dân có nhà ở cạnh các điểm thu mua phế liệu luôn sống trong nỗi lo cháy nổ và tình trạng ô nhiễm môi trường.
Tiềm ẩn cháy nổ, ô nhiễm
Huyện Phù Cát là địa phương tập trung nhiều cơ sở kinh doanh, mua bán phế liệu của tỉnh, với 46 cơ sở. Phần lớn các điểm kinh doanh này đều trong cảnh tạm bợ, ô nhiễm, thiếu các điều kiện đảm bảo an toàn PCCN, dẫn tới nguy cơ thường trực về cháy, nổ.
Tại xã Cát Trinh (Phù Cát) có 9 cơ sở thu mua, chế biến nhựa phế liệu, chủ yếu ở thôn Phong An (6 cơ sở) và thôn Phú Kim (3 cơ sở). Tại đây, mỗi ngày có hàng tấn phế liệu đủ loại, từ nhựa, giấy vụn, sắt, thép, tủ lạnh, ô tô cũ nát được nhập về. Hầu hết các cơ sở này đều rất tạm bợ, hệ thống điện không đảm bảo an toàn, có nguy cơ cao xảy ra chập điện gây cháy nổ. Không chỉ vậy, rác thải trong quá trình phân loại hoặc nước thải chưa qua xử lý trong quá trình tái chế phế liệu cũng được cơ sở xả trực tiếp ra môi trường.
Một cán bộ UBND xã Cát Trinh cho biết, ô nhiễm môi trường thực sự là nỗi nhức nhối, trăn trở của địa phương hiện nay. Do các cơ sở nằm trong khu dân cư nên môi trường ở đây bị ô nhiễm nặng nề, khiến nhiều người dân lo âu. UBND xã cũng đã nhiều lần tổ chức họp bàn tìm cách giải quyết nhưng vẫn chưa mang lại hiệu quả.
TX An Nhơn cũng có gần 70 cơ sở kinh doanh phế liệu. Phế liệu được thu mua chủ yếu là sắt, thép, nhôm, nhựa, giấy, chai, lọ… đã qua sử dụng. Trong quá trình hoạt động, một số cơ sở chưa có ý thức trong việc bảo vệ môi trường, lấn chiếm lòng đường làm nơi tập kết phế liệu, không bảo đảm các điều kiện PC&CC, ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân, gây mất an toàn về cháy nổ.
Thường xuyên kiểm tra, siết chặt quản lý
Thời gian qua, ngành chức năng, chính quyền các địa phương nơi có nhiều cơ sở mua bán phế liệu đã tích cực tuyên truyền, giáo dục để nâng cao ý thức của người dân về việc tuân thủ những nội quy, quy định về an toàn PCCN. Ông Nguyễn Ngọc Phước, Chủ tịch UBND xã Cát Trinh (Phù Cát), cho biết: “Bên cạnh việc tuyên truyền để chủ cơ sở di dời vào các cụm sản xuất công nghiệp tập trung thì các lực lượng chức năng của xã tổ chức kiểm tra, trong đó lưu tâm đến việc mua bán các phế liệu là vật liệu nổ. Đồng thời, xã phối hợp với các hội đoàn thể tổ chức vệ sinh những trục đường chính, thu gom toàn bộ rác thải để đảm bảo vệ sinh môi trường”.
Theo Phòng Cảnh sát PC&CC số 3 (Cảnh sát PC&CC tỉnh), qua nắm tình hình, kiểm tra các kho phế liệu ở Phù Cát thì chưa phát hiện có vật liệu nổ mà chủ yếu là phế liệu dễ cháy. Do vậy, đơn vị đang tham mưu cho UBND huyện Phù Cát chỉ đạo chính quyền địa phương, CA xã tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, hướng dẫn và đôn đốc các cơ sở thực hiện các điều kiện đảm bảo an toàn PC&CC.
Trung tá Võ Hoài Nam, Đội trưởng Đội đăng ký quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, ngành nghề kinh doanh có điều kiện về ANTT và con dấu (Phòng PC64, CA tỉnh), khẳng định: “Giấy phép đăng ký kinh doanh của các cơ sở thu mua, kinh doanh phế liệu trong tỉnh do UBND cấp huyện cấp. Qua kiểm tra, đến nay, chưa phát hiện có cơ sở nào tàng trữ, mua bán các phế liệu là vật liệu nổ. Tuy nhiên, để ngăn ngừa tình trạng này, đơn vị thường xuyên kiểm tra ở một số địa phương. Tại các đợt kiểm tra, đơn vị tiến hành cho các chủ cơ sở ký cam kết không mua bán vật liệu nổ; đồng thời, phối hợp với Cảnh sát PC&CC tỉnh kiểm tra, hướng dẫn các quy định và biện pháp PCCN cho các chủ cơ sở này”.
Để phòng ngừa cháy nổ tại các cơ sở thu mua, kinh doanh phế liệu, đại tá Phạm Đình Trung, Phó Giám đốc Cảnh sát PC&CC tỉnh, khuyến cáo: “Chủ các cơ sở thu cần thực hiện nghiêm các biện pháp quản lý nguồn lửa, nguồn nhiệt và các biện pháp ngăn cháy, chống cháy lan. Sắp xếp hàng hóa gọn gàng, không để hàng hóa, vật dụng trên lối đi, gần nơi đun nấu, thờ cúng, sát đường dây dẫn điện, thiết bị tiêu thụ điện. Thường xuyên kiểm tra, khắc phục ngay các sai phạm, thiếu sót của hệ thống điện. Các thiết bị bảo vệ, hệ thống dây dẫn, ổ cắm điện phải đảm bảo chất lượng, không để xảy ra chạm chập, quá tải gây cháy. Bố trí lực lượng tại chỗ thường trực, bảo vệ trông coi để kịp thời khắc phục khi có sự cố cháy nổ xảy ra. Trang bị các thiết bị chữa cháy nhằm chủ động kịp thời dập tắt đám cháy ngay từ lúc ban đầu hoặc ngăn chặn sự phát triển của đám cháy, không để cháy lan và cháy lớn”.
TRỌNG LỢI