Làng nghề truyền thống An Nhơn: Tất bật vào vụ Tết
Chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa là đến Tết. Thời điểm này, không khí lao động tại các làng nghề truyền thống ở “thủ phủ” làng nghề An Nhơn nhộn nhịp hẳn lên để kịp hàng phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Mậu Tuất - 2018.
Phơi bún khô ở làng bún - bánh An Thái. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Thời điểm giáp Tết, làng bún - bánh An Thái (xã Nhơn Phúc) trở nên sôi động hơn. Chị Tướng Thị Huyền Anh, chủ cơ sở sản xuất bún gạo Trường Thọ, cho biết: “Dịp Tết, cơ sở chế biến trên 1 tấn gạo/ngày, cho ra 800 kg bún khô. Sản phẩm làm ra bao nhiêu tiêu thụ hết bấy nhiêu. Cơ sở có 16 lao động, thu nhập 150 - 200 ngàn đồng/người/ngày”. Còn chị Nguyễn Thị Ngọc Điệp, làm nghề tráng bánh tráng, thì cho hay: Giá bánh tráng hiện tăng nhẹ so với ngày thường. Nhờ có máy móc phụ trợ nên gia đình tôi sản xuất trên 2.000 cái bánh tráng/ngày.
Theo UBND xã Nhơn Phúc, làng nghề bún - bánh An Thái có trên 60 cơ sở, hộ gia đình sản xuất. Sản phẩm tiêu thụ trên toàn quốc, trong đó “hút hàng” nhất là thị trường Tây Nguyên. Sản phẩm bún Song Thằn hiện đã có mặt ở nhiều siêu thị trong nước. Hiện giá bún Song Thằn tăng lên 200 ngàn đồng/kg nhưng các cơ sở không dám nhận đơn đặt hàng vì thời tiết nắng ít nên sợ không đảm bảo nguồn hàng cung ứng.
Không khí lao động tại làng rượu Bàu Đá, làng bánh tráng Trường Cửu (xã Nhơn Lộc) cũng đang rất nhộn nhịp. Ông Lê Hồng Thanh, chủ cơ sở rượu Ba Trương ở thôn Cù Lâm, kể: “Cả nhà 4 người phải dậy từ 1- 2 giờ sáng để nấu rượu kịp giao cho khách hàng. Bình quân một ngày nấu 6 nồi được 30 lít rượu các loại, những ngày cận Tết thì nấu đến 9 nồi, được 40 lít, cũng không đủ bán”.
Hiện tại giá rượu gạo 25.000 đồng/lít, rượu nếp 35.000 đồng/lít, rượu đậu xanh 80.000 đồng/lít. Ông Lê Quang Tâm - Chủ tịch Hiệp hội rượu Bàu Đá Bình Định, chủ cơ sở rượu Bàu Đá Tâm Hường - cho biết: “Trong làng, các hộ nấu rượu quanh năm, dịp Tết thì đều tăng sản lượng để phục vụ nhu cầu thị trường. Tết này, cơ sở của tôi dự kiến cung ứng ra thị trường khoảng 100 thùng rượu loại vỏ bình sứ (mỗi thùng 12 bình, 0,5 lít/bình), và khoảng 400 - 500 lít rượu chai nhựa”.
Các hộ làm bánh tráng ở thôn Trường Cửu cũng tăng cao lượng sản phẩm trong dịp Tết. “Ngày thường vợ chồng tôi tráng được 1.000 cái bánh; riêng những ngày này phải dậy sớm hơn để làm cho kịp hàng vì mình tráng bánh thủ công. Giá bánh tráng hiện tăng nhẹ”, bà Nguyễn Thị Sáu, một hộ sản xuất bánh tráng ở đây, cho hay.
Theo ông Nguyễn Huỳnh Nguyên, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Lộc, trên địa bàn thôn Cù Lâm có 32 hộ nấu rượu Bàu Đá truyền thống và gần 300 hộ làm bánh tráng ở thôn Trường Cửu, sản phẩm tiêu thụ cả nước, đặc biệt “ăn” mạnh tại các tỉnh miền Trung- Tây Nguyên. Thu nhập bình quân các hộ làm nghề từ 5 - 6 triệu đồng/tháng, dịp Tết thì cao hơn.
NGỌC NHUẬN