Quản lý, sử dụng tài sản tại cơ quan Đảng theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 165/2017/NĐ-CP về quản lý, sử dụng tài sản tại cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam.
Nghị định nêu rõ nguồn hình thành tài sản tại cơ quan của Đảng và đơn vị sự nghiệp của Đảng gồm: Tài sản được Nhà nước giao bằng hiện vật và tài sản được đầu tư xây dựng, mua sắm từ ngân sách nhà nước; tài sản đã có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền chuyển giao quyền sở hữu cho Đảng Cộng sản Việt Nam; tài sản được đầu tư xây dựng, mua sắm từ quỹ dự trữ của ngân sách Đảng và các nguồn kinh phí khác của Đảng; tài sản do tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước hiến, biếu, tặng cho, viện trợ, tài trợ và các hình thức chuyển giao quyền sở hữu khác cho Đảng; tài sản được hình thành từ nguồn quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, vốn vay, vốn huy động, liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân theo quy định pháp luật.
Tài sản tại cơ quan Đảng phải được quản lý, sử dụng theo nguyên tắc: Mọi tài sản được hình thành theo quy định trên đều được giao cho cơ quan của Đảng, đơn vị sự nghiệp của Đảng quản lý, sử dụng. Tài sản tại cơ quan của Đảng và đơn vị sự nghiệp của Đảng phải được sử dụng đúng công năng, đối tượng, tiêu chuẩn, định mức, chế độ, được khai thác, bảo dưỡng, sửa chữa theo quy định, bảo đảm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng.
Việc khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản tại cơ quan của Đảng và đơn vị sự nghiệp của Đảng phải tuân theo cơ chế thị trường, có hiệu quả, công khai, minh bạch, đúng pháp luật.
Việc quản lý, sử dụng tài sản tại cơ quan của Đảng và đơn vị sự nghiệp của Đảng được giám sát, kiểm tra, kiểm toán theo quy định pháp luật và quy định của Đảng; mọi hành vi vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản tại cơ quan của Đảng và đơn vị sự nghiệp của Đảng phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh.
Nghị định quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của cơ quan của Đảng và đơn vị sự nghiệp của Đảng được giao quản lý, sử dụng tài sản. Theo đó, cơ quan của Đảng và đơn vị sự nghiệp của Đảng được giao quản lý, sử dụng tài sản có quyền sử dụng tài sản phục vụ hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ được giao; thực hiện các biện pháp bảo vệ, khai thác và sử dụng hiệu quả tài sản được giao theo chế độ quy định.
Bên cạnh đó, cơ quan của Đảng và đơn vị sự nghiệp của Đảng được giao quản lý, sử dụng tài sản có nghĩa vụ bảo vệ, sử dụng tài sản đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức, chế độ; bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm; lập, quản lý hồ sơ tài sản, kế toán tài sản, kiểm kê, đánh giá lại tài sản theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, nghị định này và pháp luật về kế toán; báo cáo và công khai tài sản theo quy định...
Theo HNM