Lặt lá mai
Năm nào cũng vậy, khoảng đầu tháng chạp, nhà tôi lặt lá mai, để cây dồn sức cho hoa đúng Tết.
Tôi nhẩm, năm nay nhuần hai tháng sáu ta, nếu tính chu kỳ mười hai tháng, thì độ này hoa đã rực vàng. Nhưng không. Hai cây mai gầy trước nhà tôi thừa biết nơi chúng dầm chân bốn mùa sương gió là đất Á Đông chính hiệu, và người tưới nước cơm cho chúng hàng ngày tuy làm việc theo dương lịch nhưng vừa tưới vừa ngân nga lục bát Việt, nên chúng cũng không vì cái sự năm Đinh Dậu có mười ba lần trăng tròn mà vội vàng làm gì. Cả hai, cây nọ nhủ cây kia, cứ thủng thẳng búp. Ngọn gió mỗi ngày ngó nghiêng vòm lá, rủ về mấy đợt mưa rét tê tái, khiến lũ búp bé xíu nép kỹ trong nách lá. Tôi co ro trong áo len, nghĩ, lặt lá sớm làm gì lạnh cây, tội lắm!
Hôm về quê chạp mả, đoạn đường từ Quy Nhơn về Hoài Ân hơn 85 cây số, vợ chồng tôi dong xe máy qua bao nhiêu cánh đồng, bao nhiêu xóm làng, thấy mai trước nhà người đều đã trút áo, run run trong nắng nhạt mưa bay. Chồng tôi nhắc chuyện năm nảo năm nao, chiều chủ nhật tuần đầu tháng chạp, Cuội nhà chúng tôi rủ Mập và Cận, hai thằng bạn thân nhất về lặt lá mai. Ba đứa rộn ràng lặt, rộn ràng trêu đùa, lặt xong kéo nhau đi đá banh rồi ăn bánh bèo nóng, tối mịt mới về. Sáng mồng một là sinh nhật Cuội, Mập và Cận sang nhà tôi, gõ gõ vào cây mai, nói nhỏ nhỏ "lì xì, lì xì", nhưng thoáng thấy bóng người lớn là im bặt, bẽn lẽn liếc nhau cười.
Sau khi mời các bạn con vào nhà, vợ chồng tôi tránh ra nhà sau để lũ nhỏ tự nhiên đùa nghịch, hát hò, đốt nến, cắn hạt dưa, phá cỗ bánh mứt. Vỏ hạt dưa đỏ thắm vung vãi khắp nhà. Vui nhất là lúc tôi dúi vào tay mỗi đứa một phong bao đỏ, Mập và Cận lí nhí cảm ơn rồi nhìn nhau cười hí hí thật dễ thương. Cuội chun mũi: "Hai thằng đệ sang năm qua lặt lá mai cho đại ca nữa là OK". Mập khịt khịt: "Con mát tay hẻ bác, cây con lặt hoa tưng bừng luôn! Cây thằng Cận với thằng Cuội lặt nở dỏm hơn hẻ bác?". Cận cãi: "Láo toét toèn toẹt, cây tao với thằng Cuội lặt bông sai hơn nha mày". Chồng mình bảo: "Các con biết không, hôm kia có đoàn tham quan đi qua, thấy hai cây mai này liền bắt tài xế dừng xe xuống ngắm, ngắm xong thì khóc ròng, nói là ai lặt lá mà mai nở đều, tài đáng làm sư phụ!". Chúng nó thích chí cười vang, tiếng cười làm lũ ong nâu đang chập chờn quanh đám hoa mai luống cuống.
Năm sau đó, cũng độ tháng chạp, không thấy Mập sang, chỉ có Cận. Hỏi, Cận nói Mập đi du học rồi. Cuội và Cận hai đứa cặm cụi lặt mãi không xong một nhánh lá, có lẽ vì thiếu Mập nên không khí trầm lắng. Hai thằng bỏ ngang giữa chừng.
Suốt tuần sau đó vợ chồng tôi ngày ngày đi đi về về nhìn nhánh cây đã trắng lá chìa ra giữa vòm xanh, lòng nao nao. Nỗi nhớ bạn của lũ trẻ in dấu trên cây, in dấu lên một khoảng trời, và lây sang cha mẹ. Chúng tôi đã ngắm chúng cùng lớn lên, quây quần học hành đùa nghịch, nay Mập đi rồi, quả là quạnh lắng hơn trước. Có lần tôi thấy Cuội dừng lại trước kệ sách, chỗ đặt hòn đá đen Mập tặng, trên đó có khắc câu: "Quen biết đầy thiên hạ, tri kỷ được mấy người!". Nó cầm lên, rồi đặt xuống, rồi thở dài. Con trai tôi đã biết thở dài.
Thấm thoắt, Cuội và Cận tốt nghiệp đại học, đi làm xa quê. Mập ở nơi nào đó xa xôi, chắc cũng đã thành một chàng trai cao lớn, đĩnh đạc. Thì đã nhiều năm trôi qua, hai cây mai trước nhà tôi ngày càng cao và gầy, cùng vợ chồng tôi sớm sớm đón mặt trời, đêm đêm nhìn vầng trăng lướt giữa bầu không, biết rằng khi nào trăng non ngày khi nào khẳm tháng, biết rằng khi nào hè về khi nào thu qua khi nào đông tới... Biết, để cùng nhau đi qua ấm nồng giá lạnh, để cùng nhau trút lá hẹn hoa về.
Như một cảm ứng, con tôi vừa gọi như reo: “Mẹ ơi, thằng Mập mới chát zalo với con, nói vài hôm nữa sẽ về Việt Nam ăn Tết, nó hẹn tuần sau sẽ sang nhà mình lặt lá mai”.
"Lá mai đã lặt xong rồi, con à, nhưng Mập về càng vui" - tôi nói khẽ mà lòng rơm rớm mừng, rơm rớm thương. Lớp trẻ chúng nó, chỉ cần nhớ độ rày sắp Tết, nhớ mình có một quê hương, nhớ trên quê hương đó có một bóng cây, thế thôi, là đủ để ấm áp cội cành.
Tản văn Trần Thị Huyền Trang