Thủ tướng khẳng định Chính phủ tôn trọng tính khách quan của số liệu thống kê
Thủ tướng khẳng định, Chính phủ luôn tôn trọng tính trung thực, khách quan của số liệu thống kê, “không có ông Thủ tướng, Bộ trưởng, Chủ tịch nào yêu cầu đưa số liệu lên mà không có cơ sở khoa học” và nêu rõ, số liệu thống kê thực sự là con số biết nói. Thủ tướng cần kịch bản tăng trưởng rõ nét để điều hành.
Hôm nay, 22.1, dự hội nghị triển khai công tác 2018 của ngành thống kê trong không khí vui tươi khi cả nước hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu năm 2017 cũng như thành tích xuất sắc của đội tuyển U23 Việt Nam, Thủ tướng khẳng định, Chính phủ rất quan tâm đến công tác thống kê, trân trọng sản phẩm mà ngành thống kê đã làm ra.
Ngành thống kê có vị trí quan trọng vì là nơi tập hợp kết quả đầu ra của cả nền kinh tế một cách khách quan, trung thực. Từ kết quả đầu ra về kinh tế - xã hội đất nước, đã giúp cho việc hoạch định về các chiến lược và công tác quy hoạch, kế hoạch của quốc gia, của ngành, địa phương. Từ đó, chúng ta hình thành nên những cơ chế, chính sách phát triển đất nước. Đặc biệt, qua số liệu, chúng ta có thể điều hành, chỉ đạo. Qua số liệu, để chỉ đạo những việc nổi cộm trong từng thời kỳ có cơ sở khoa học. Con số biết nói chính là chỗ đó, Thủ tướng nhìn nhận. “Anh không thể nói định tính được mà phải định lượng”.
Phải là những con số biết nói
“Năm 2017, nhiều lần Thủ tướng trực tiếp nghe Tổng cục Thống kê không chỉ dự hội nghị Chính phủ phát biểu ý kiến khách quan, độc lập mà làm việc trực tiếp với Tổng cục Thống kê để nghe tình hình đất nước qua số liệu các đồng chí thống kê” để từ đó Thủ tướng chỉ đạo, giao việc và làm rõ trách nhiệm cá nhân của các bộ trưởng, lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty, “vì sao anh không đạt kế hoạch, vì sao con số của anh có nhiều vấn đề bất cập như vậy”.
Thủ tướng đánh giá cao kết quả thầm lặng, nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống thống kê. Nhìn lại năm 2017, lần đầu tiên chúng ta có kịch bản tăng trưởng hàng quý. Kể về những thời điểm khó khăn trong năm qua, Thủ tướng cho biết, khi quý I/2017 tăng trưởng chỉ đạt thấp, 5,15%, nhiều người có khuyến nghị Thủ tướng nên điều chỉnh chỉ tiêu để không mang tiếng là không hoàn thành kế hoạch. Khi đó, cho rằng con số này như một “cái tát” đối với Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành, Thủ tướng đã yêu cầu Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cùng với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra các kịch bản tăng trưởng của quý II, III và IV, làm rõ các sản phẩm chủ lực, các lĩnh vực cần tăng trưởng để chỉ đạo. Từ đó, quy trách nhiệm cá nhân của các bộ trưởng, trưởng các đơn vị, các địa phương về đóng góp cho tăng trưởng, bởi vì, mặc dù chúng ta không chạy theo số lượng, nhưng số lượng của tăng trưởng ảnh hưởng đến nhiều chỉ tiêu chất lượng khác như việc làm, thu ngân sách, giải quyết vấn đề lao động cũng như nhiều vấn đề khác.
Thủ tướng cho rằng, đây là bài học kinh nghiệm quý của ngành thống kê. “Các đồng chí trực tiếp làm việc, đôn đốc, theo dõi các bộ, ngành, địa phương, nhất là các ngành sản xuất và kịp thời kiến nghị với Thủ tướng chỉ đạo cụ thể với từng ngành, từng sản phẩm để bảo đảm tăng trưởng”. Hằng tháng, Tổng cục Thống kê có báo cáo cụ thể số liệu, tình hình kinh tế xã hội chính xác từng lĩnh vực, sản phẩm chủ đạo, qua đó, giúp Thủ tướng đánh giá được thực chất hoạt động của từng ngành, có chỉ đạo cụ thể với từng bộ trưởng, trưởng ngành tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ. Với số liệu đầu vào như thế, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo sát sao, chính xác đối với từng thành viên Chính phủ, chứ không phải nói chung chung.
Thủ tướng khẳng định: Chính phủ luôn tôn trọng tính trung thực, khách quan của số liệu thống kê và đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh vững vàng về chuyên môn nghiệp vụ và ý thức chấp hành pháp luật của đội ngũ làm công tác thống kê, bảo đảm tốt nguyên tắc cơ bản đầu tiên trong hoạt động thống kê Nhà nước: Trung thực, khách quan, chính xác, đầy đủ, kịp thời, thực hiện đúng Luật Thống kê. “Chúng ta không chạy theo thành tích để đưa ra số liệu không cơ bản mà chúng ta biết hệ thống số liệu chằng chịt, nó bổ sung lẫn nhau chứ không phải anh muốn tăng là được”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh yêu cầu về tính trung thực trong thống kê. Chính phủ không chạy theo thành tích và yêu cầu thống kê làm đúng quy định của pháp luật, nhất là pháp luật về thống kê. “Không có ông Thủ tướng, Bộ trưởng, Chủ tịch nào yêu cầu đưa số liệu lên mà không có cơ sở khoa học”, Thủ tướng khẳng định và đánh giá cao Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê thẳng thắn, ngay thẳng, không sợ sệt bất cứ điều gì trong thể hiện số liệu thống kê.
Tổng cục Thống kê đã tiếp tục đổi mới phương pháp, cách thức tiếp cận, tính toán và công bố số liệu GDP cấp tỉnh, đáp ứng yêu cầu kịp thời, quản lý, chỉ đạo điều hành của các cấp, các ngành, đã loại bớt sự chồng lấn, góp phần giảm chênh lệch số liệu giữa địa phương và cả nước, khắc phục bệnh thành tích ở địa phương.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra một số mặt bất cập, hạn chế của công tác thống kê bởi “tổng kết không phải chỉ nói thành tích mà chủ yếu nói tồn tại để sửa”. Thu thập thông tin thống kê còn nhiều vấn đề cần chú ý hơn. Phương pháp, chế độ thống kê còn bỏ sót. Còn bỏ sót nhiều trong tính giá trị GDP, nhất là kinh tế không chính thức, cần khắc phục trong năm 2018.
Thủ tướng cần kịch bản tăng trưởng rõ nét để điều hành
Nhấn mạnh Chính phủ đã ban hành Nghị định 01 với phương châm hành động “10 chữ” (Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả), Thủ tướng đặt vấn đề: Ngành thống kê cần làm gì để thực hiện phương châm “10 chữ” này và nêu rõ: Thủ tướng, Chính phủ cần một kịch bản tăng trưởng rõ nét để điều hành như kinh nghiệm năm 2017, “không thể chạy theo tăng trưởng một chiều nóng vội được”.
Với vai trò sứ mệnh quan trọng, ngành thống kê cần nâng cao chất lượng công tác thống kê, phục vụ tốt hơn sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong năm 2018. Đừng coi thường thống kê trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, coi thường là phi khoa học.
Nâng cao chất lượng số liệu thống kê để tiến tới phân tích, đánh giá, hoạch định chính sách, số liệu nào chính sách đó, có đánh giá, dự báo.
Số liệu thống kê của ngành là chính thống, tin cậy và không để sai sót xảy ra. Toàn ngành thống kê thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo: Thông tin của chúng ta phải trung thực, khách quan, chính xác, kịp thời và minh bạch. Nghiên cứu áp dụng chuẩn mực quốc tế, chuẩn hóa quy trình, ứng dụng công nghệ hiện đại. Quan tâm hơn nữa đến phân tích, đánh giá số liệu thống kê để số liệu thống kê thực sự là con số biết nói.
Ngành thống kê phải có báo cáo, đánh giá sâu về tình hình thế giới, đừng để Thủ tướng quyết định sai chính sách vĩ mô khi tình hình thế giới thay đổi. Do đó, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê có thể đề xuất gặp Thủ tướng khi cần thiết, thông tin về những vấn đề quốc tế và trong nước đặt ra để kịp thời chỉ đạo, điều hành, không để lâm vào bị động, bất ngờ. Cần tập trung nghiên cứu, áp dụng phương pháp thống kê mới, tiên tiến, phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Tiếp tục thực hiện tốt các đề án của ngành, trong đó có nhiệm vụ thống kê GDP của các địa phương, tránh trùng lắp, sai số quá lớn giữa địa phương và số liệu chung của cả nước.
Cần lưu ý thực hiện nhiệm vụ rà soát phạm vi, phương pháp tính toán GDP, trong đó có các khu vực kinh tế phi chính thức, chưa quan sát được để sớm có số liệu GDP phản ánh sát hơn với thực tế đất nước.
Nhấn mạnh tinh thần phát triển nhanh, bền vững, chắc chắn, có cơ sở khoa học, “một con hổ kinh tế” chứ đừng là con hổ giấy, Thủ tướng nêu rõ, những con số biết nói để làm kịch bản và chiến lược cho phát triển cho từng địa phương, cho cả quốc gia là rất quan trọng. Do đó, từ số liệu, từ thực tiễn, nhất là từ nhận thức và hành động, chúng ta phải tìm một giá trị gia tăng mới lớn hơn, đóng góp vào sự tăng trưởng của Việt Nam.
Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng đã trao Huân chương Lao động các hạng cho các tập thể, cá nhân ngành thống kê.
Theo Đức Tuân (Chinhphu.vn)