VỐN VAY TỪ QUỸ PHÁT TRIỂN KH&CN:
Gần mà... xa !
Mặc dù khởi động lại hoạt động cho doanh nghiệp vay dự án đổi mới công nghệ từ năm 2015, nhưng suốt thời gian qua Quỹ Phát triển KH&CN tỉnh vẫn... đóng băng.
Tổng vốn hiện có của Quỹ là hơn 19 tỉ đồng, với các hoạt động được triển khai bao gồm: thẩm định, cấp phát kinh phí các nhiệm vụ KH&CN; cho vay đổi mới công nghệ.
Lãi suất cao, thủ tục rườm rà
Kết thúc năm 2017, một số DN đã liên hệ và được Quỹ hướng dẫn các thủ tục hồ sơ vay. Tuy nhiên, công tác cho vay vẫn không thực hiện được; nguyên nhân chính là “lãi suất cao, chưa thực sự ưu đãi”. Chưa kể quy chế cho vay chặt từ hạn mức đến thủ tục, quy định tài sản đảm bảo...
Nhiều quy định về lãi suất và thủ tục ràng buộc khiến DN khó tiếp cận vốn vay phát triển, đổi mới công nghệ của Quỹ.
- Trong ảnh: Hoạt động nghiên cứu thuốc mới tại Công ty CP Dược - Trang thiết bị Y tế Bình Định.
“Quy định lãi suất cho vay của Quỹ được tính theo lãi suất tín dụng của ngân hàng đầu tư. Cụ thể, thông báo lãi suất từ năm 2011 cho vay dự án là 8,55%/năm; trong khi, lãi suất ngân hàng thương mại (NHTM) cho vay bên ngoài chỉ hơn 6%/năm, nhưng kỳ điều chỉnh lãi suất cho vay từ Quỹ đến nay vẫn chưa được công bố. Vì thế, kỳ họp Hội đồng Quản lý quỹ mới đây, dù chúng tôi đề xuất thì cũng không có cơ sở để giảm lãi suất cho vay” - ông Thái Hoàng Uẩn - Phó Giám đốc Quỹ Phát triển KH&CN tỉnh, cho hay.
Theo một số đơn vị, lãi suất vay từ Quỹ quá cao, ngay như vay lãi suất ngắn hạn của sản xuất kinh doanh mà DN đang vay cũng chỉ 8%/năm. Điều này không riêng Quỹ Phát triển KH&CN, mà một số nguồn quỹ khác hỗ trợ DN cũng vậy.
Bà Phạm Thị Thanh Hương - Phó Tổng giám đốc BIDIPHAR, cho rằng: “DN đi vay ở những quỹ mang tính hỗ trợ nếu thật sự có ưu đãi trong hoạt động phát triển khoa học, đổi mới công nghệ. Còn cơ chế vay nặng nề và lãi suất không ưu đãi thì chắc chắn không ai vay cả”.
Kiến nghị điều chỉnh
Ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Giám đốc Sở Tài chính, cho biết, lãi suất vay từ Quỹ Phát triển KH&CN phụ thuộc vào lãi suất cho vay đầu tư tín dụng của Nhà nước do Bộ Tài chính công bố. Còn lãi suất bên ngoài được các NHTM điều chỉnh thường xuyên. Hội đồng quản lý Quỹ cần tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Bộ Tài chính điều chỉnh theo hướng cho phép thấp hơn một khoản nhất định so với lãi suất bình quân của các NHTM.
Trong khi không giải ngân cho vay được, Quỹ Phát triển KH&CN tỉnh còn nợ xấu “treo” từ năm 2012 trở về trước cho 4 dự án đầu tư đổi mới công nghệ của DN tư nhân Minh Đức, DN tư nhân D&L, Công ty TNHH Nhật Khánh và Công ty TNHH Ánh Tuyết. Đến nay, tổng nợ gốc của các DN hơn 3,8 tỉ đồng thì nợ lãi (100% quá hạn) đã hơn 5,1 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Văn Hưng đặt vấn đề: Hội đồng quản lý Quỹ cần tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan Thuế cung cấp tình hình khai thuế của DN; Ngân hàng Nhà nước cung cấp tình hình tín dụng; Sở TN&MT cung cấp các giao dịch liên quan đến hoạt động chuyển nhượng bất động sản, khai thác tài nguyên khoáng sản, thuê đất; Sở KH&ĐT cung cấp việc thay đổi thành viên, người đại diện theo pháp luật của DN... Như vậy, mới có cơ sở đề ra biện pháp thu hồi nợ xấu!
Mặt khác, cần tăng cường hướng dẫn DN sử dụng nguồn quỹ KH&CN tại DN đã được Nhà nước cho phép để lại từ lợi nhuận trước thuế (tối đa 10%). “Hai việc cần làm ngay trong năm nay của Hội đồng quản lý Quỹ là tham mưu trình UBND tỉnh chỉnh sửa quy chế cho vay và kiến nghị Bộ KH&CN, Bộ Tài chính về lãi suất cho vay các dự án. Trình UBND tỉnh về 4 trường hợp nợ xấu để có chỉ đạo các sở, ngành cùng phối hợp vào cuộc” - ông Lê Công Nhường, Giám đốc Quỹ Phát triển KH&CN tỉnh, cho biết.
MAI HOÀNG