Sinh viên làm thêm mùa tết
Cuối năm, nhiều sinh viên ở TP Quy Nhơn tất bật tìm việc làm thêm để có tiền trang trải cho các khoản chi tiêu và được trải nghiệm thực tế.
Vừa kết thúc thi học kỳ 1, thay vì dành thời gian để xả “xì-chét” như một số bạn cùng lớp, Nguyễn Yến (quê ở Gia Lai, SV năm 1 Trường ĐH Quy Nhơn) lập tức đi tìm việc làm thêm để kiếm tiền phụ giúp gia đình trong những ngày Tết. Sau vài ngày đi tìm, Yến đã xin được việc làm tại một quán cà phê nằm trên đường Võ Lai (TP Quy Nhơn). Mỗi ngày, Yến bắt đầu làm từ 12 giờ và kết thúc công việc vào lúc 17 giờ, được trả công 8.000 đồng/giờ. “Cha mẹ ở quê vất vả lại còn phải lo cho em đi học, nên bản thân tự nhủ phải cố gắng làm thêm kiếm ít tiền phụ giúp gia đình mua sắm tết”, Yến tâm sự.
Không phải đi ra ngoài tìm việc, Khả Tú (SV năm 3, Trường ĐH Quy Nhơn) nhận bán các mặt hàng áo quần, giày dép trên facebook. Tú đã làm công việc này hơn 2 năm qua, số tiền kiếm được cũng kha khá để trang trải cho việc học. “Mình có mối lấy hàng ổn định, giá cả hợp lý nên bán cũng có lời. Vào dịp lễ hoặc cuối năm, số hàng bán ra nhiều nên tiền lời cũng gấp đôi, gấp 3 ngày thường. Tuy nhiên, công việc này cũng sẽ khó khăn hơn do có nhiều người tham gia”, Tú nói.
Những công việc khác như: gói quà, làm mứt, bán hoa giả, giữ xe, nhân viên phục vụ, nhân viên giao hàng... cũng được nhiều SV ở TP Quy Nhơn lựa chọn làm trong dịp Tết này. Và không chỉ mang lại thu nhập, việc đi làm thêm sẽ mang lại nhiều kinh nghiệm, kỹ năng cần thiết cho SV. Bạn Khả Tú chia sẻ: “Trước đây, mình rất kiệm lời, đặc biệt rất ít khen ai nhưng từ khi bán hàng khả năng ăn nói được nâng lên đáng kể. Muốn bán được hàng, phải nắm bắt được tâm lý của khách hàng, phải biết cách giới thiệu, tư vấn quần áo phù hợp với từng đối tượng. Sau hai năm bán hàng, mình cho rằng trong công việc phải biết giữ chữ tín với nhau, chứ làm theo kiểu “ăn xổi ở thì” thì khó mà làm được lâu dài”.
Theo anh Nguyễn Khắc Khanh, Bí thư Đoàn Trường ĐH Quy Nhơn, các bạn SV đi làm thêm, tiếp xúc với nhiều khách hàng nên sẽ khéo léo hơn trong giao tiếp, ứng xử. Những va chạm trong công việc là cơ hội để SV học cách xử lý tình huống. “Tuy nhiên với đặc thù công việc phục vụ tết, thời gian để các em dành cho gia đình không nhiều, thậm chí có nhiều em phải ăn tết xa quê” anh Khanh cho biết thêm.
TÙY PHONG