Trung tâm VH-TT&TT Quy Nhơn: Ươm những mầm non bài chòi
Ðưa dân ca bài chòi vào trường học, phát hiện và chăm chút các mầm non năng khiếu, dạy miễn phí định kỳ vào cuối tuần…, lặng lẽ nỗ lực như vậy qua nhiều năm, Trung tâm VH-TT&TT TP Quy Nhơn đã quy tụ được gần 50 hạt nhân bài chòi thiếu nhi!
Sáng thứ 7 tuần rồi - 20.1 - trời rất lạnh lại có mưa, cô trò Lớp dân ca - bài chòi thuộc Trung tâm VH-TT&TT TP Quy Nhơn lên lớp như thường lệ. Trước đó, phụ trách đứng lớp - nghệ nhân Nguyễn Thị Quý Nhất, Phó Giám đốc Trung tâm lo lắng, sợ các bé lười và nghỉ học. Tuy nhiên, điều khích lệ rất lớn cho cô giáo là các cháu có mặt gần như đông đủ.
“Hôm nay tiếp tục học câu thai, nào các con, chúng ta bắt đầu…” - tiếng cô Nhất. Một số bé chưa nhuyễn lời còn phải nhìn giấy. Số đông hơn đã làu làu thì hào hứng gõ mõ, sanh sứa, thẻ bài chòi. Âm thanh nhạc cụ tre cắc rụp rộn ràng, vui tai và tiếng học trò giòn giã đồng thanh hô câu thai - một hình ảnh dễ thương về việc giữ di sản bài chòi ở Bình Định.
Một lớp bài chòi thiếu nhi gần 50 hạt nhân, mở và duy trì từ năm 2016 đến nay - một hoạt động phong trào thoạt nhìn có vẻ đơn giản nhưng đó thật sự là cả tâm huyết và nỗ lực liên tục của cán bộ, nhân viên Trung tâm VH-TT&TT TP Quy Nhơn. Tất cả bắt nguồn từ mong mỏi của nghệ nhân, cán bộ của đơn vị - được truyền, dạy di sản cho bất cứ cháu thiếu nhi nào ưa thích, cùng với đó là tìm kiếm năng khiếu cho bài chòi ở Quy Nhơn.
Theo nghệ nhân Quý Nhất, khi làm văn nghệ phong trào ở các xã, phường của Quy Nhơn, nhất là văn nghệ học đường, chị cũng như các cán bộ, cộng tác viên của Trung tâm đều khéo léo định hướng, giới thiệu, dàn dựng những tiết mục về dân ca bài chòi để tăng cơ hội tiếp cận, hiểu biết, yêu thích di sản trong học sinh, giáo viên. “Từ quá trình đó, Trung tâm phát hiện được nhiều năng khiếu, bản thân các cháu cũng yêu thích, muốn học thêm. Trung tâm quyết định mở lớp bồi dưỡng, sinh hoạt lâu dài (bên cạnh các lớp bài chòi ngắn hạn vào dịp hè) để tăng hiệu quả truyền dạy, gắn kết các cháu với di sản hơn. Thuận lợi, khích lệ lớn cho chúng tôi là nhiều phụ huynh ủng hộ”, Phó Giám đốc Nguyễn Thị Quý Nhất cho biết.
Tham gia lớp học từ những ngày đầu, học bài chòi đến nay đã gần 2 năm là Đào Gia Hân, lớp 4, Trường Tiểu học Hoàng Quốc Việt (TP Quy Nhơn). Bé Hân cho hay, trước đó em chỉ biết đến các bài hát thiếu nhi và không nghĩ bài chòi lại cũng có những câu, bài dành cho trẻ con. “Con biết tới bài chòi là nhờ các cô ở Trung tâm này về trường con dạy. Con thấy “nó” ngộ ngộ làm sao, rất thích, con xin ba mẹ cho con theo học. Dù khi con diễn bài chòi, một số bạn chọc con “hát gì mà như cải lương, “nhà quê” quá”, con cũng không buồn, mà còn tự hào. Giờ thì thích nhất là khi tham gia văn nghệ, tiết mục hát bài chòi của con rất ít “đụng hàng”, bé Hân lém lỉnh cho biết.
Theo ông Nguyễn Ngọc Tiến, Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT TP Quy Nhơn, đơn vị đã biên soạn và dạy làm hiệu, tổ chức hội chơi bằng hệ thống câu thai bài chòi với nội dung phù hợp với lứa tuổi học sinh. Thời gian tới, Trung tâm sẽ phối hợp với Phòng GD&ĐT TP Quy Nhơn ban hành Kế hoạch mở lớp tập huấn hô, hát bài chòi dân gian cho học sinh các trường trên địa bàn thành phố, chuẩn bị cho Hội thi hô, hát bài chòi dân gian lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng TP Quy Nhơn lần thứ I - 2018 (dự kiến vào tháng 4.2018). Trên cơ sở đó, khi một số trường, địa phương có một lực lượng hiệu “nhí”, đơn vị sẽ tính toán tổ chức và duy trì giao lưu Hội đánh bài chòi dân gian của các nhóm, CLB thiếu nhi Quy Nhơn, hàng tuần hoặc hàng tháng, đưa các em đến gần với di sản, tăng thực hành trình diễn cho năng khiếu trẻ…
“Mong rằng bài chòi sẽ sớm được đưa vào giảng dạy trong trường học như võ cổ truyền Bình Định, được như vậy thì việc phối hợp với ngành giáo dục cũng như công tác vận động phụ huynh, học sinh tích cực tham gia bảo tồn, phát huy di sản sẽ thuận lợi, hiệu quả hơn nhiều”, ông Nguyễn Ngọc Tiến bày tỏ.
SAO LY