Nhìn rõ bản chất qua đôi mắt ngộ nghĩnh
Bạn có thể dễ nhầm Những câu chuyện thời tiền sử của nhà văn Ý Alberto Moravia là cuốn sách dành cho thiếu nhi, vì đối tượng trong tác phẩm chỉ toàn là những loài vật. Bạn có thể thấy nó giống những câu chuyện ngụ ngôn. Điều ấy đúng. Nhưng chưa đủ. Sau một vài truyện đầu tiên, bạn sẽ bất ngờ, sẽ muốn khám phá nhiều hơn.
Đó là những mẩu chuyện ngắn về loài vật, khai thác những đặc điểm của loài vật, giải thích nguồn gốc bằng những cách tưởng tượng lạ lùng. Đấy là hứng thú đầu tiên khi đọc tác phẩm. Nhìn sự vật, hiện tượng bằng những cái nhìn mới luôn là một thách thức. Cách lý giải của tác giả thuyết phục đến nỗi, nhiều khi người đọc có thể bị dẫn dụ, bị lôi cuốn. Ví dụ, để thấy được bản tính chậm chạp, lười vận động của con Lười, tác giả đã để nó làm trong một đội lính cứu hỏa. Và quả nhiên, trong tình huống báo cháy khẩn cấp ở khu rừng nọ, Lười, từ lúc được thông báo bởi Ốc sên, đến lúc nghe thông tin từ ba tiếng trước, vừa đi chữa cháy vừa ngủ gật. Cho đến khi tới nơi, đám cháy đã trở thành một “huyền thoại”…Bản chất của loài vật hiện lên cực kì sống động qua cách kể chuyện thú vị này.
Đặc sắc nhất là những góp nhặt, những lóe sáng tri nhận khiến người đọc thỏa mãn bởi nó dẫn dắt thành công, từ tìm hiểu để nhìn ra bản chất hiện tượng. Có rất nhiều vấn đề được đặt ra như tình yêu, quyền lực, môi trường sống, cái tôi cá nhân, về đám đông và sự cô độc, chân lí… Đó là sự thật về quyền lực, khi một con vật- Thú ăn kiến - được tôn làm siêu Hoàng đế của kiến, với mục đích để không ăn thịt những chú kiến bé nhỏ. Nhưng cuối cùng, theo bản năng, nó đã liếm đến cả những chú kiến cuối cùng mà không hề băn khoăn. Hoặc về chân lí, khi Chim Cánh Cụt cho rằng “Băng không thể tan” nhưng rồi khi trường dạy học của Chim Cánh Cụt biến mất, hòn đảo băng cũng không còn nữa, ngay cả thức ăn lâu nay là cá đông lạnh cứng như gỗ cũng tan chảy… Thực tiễn buộc Chim Cánh Cụt phải viết một bài học khác: “Băng không tồn tại vĩnh viễn: Nguyên nhân và hậu quả”.
Thật khó giấu những nụ cười bất chợt vì phát hiện ra những chân lí, bản chất thông qua những nhân vật đáng yêu thậm chí còn gần gũi nhưng cũng không khỏi ngậm ngùi vì nhìn ra sự thật. Dù thật khó chấp nhận, nhưng nhìn thẳng ra bản chất vấn đề cũng là điều nên làm. Mà Alberto Moravia đã làm điều đó thật thông minh, dí dỏm.
NGUYỄN ÐẶNG THÙY TRANG
* Alberto Moravia, nhà văn Ý, ông được coi là đại diện ưu tú cho chủ nghĩa hiện thực phê phán trong trào lưu văn học Ý hiện đại.
* Đọc Những câu chuyện thời tiền sử của Alberto Moravia, Lê Thúy Hiền dịch, NXB Hà Nội.