2018 - “An toàn giao thông cho trẻ em”
Theo thống kê của ngành chức năng, tỉ lệ tai nạn giao thông ở trẻ em trong những năm qua vẫn luôn ở mức cao, với khoảng 2.000 trẻ tử vong. Và điều đáng báo động là nguyên nhân dẫn đến tai nạn ở lứa tuổi này chủ yếu là do sự chủ quan và thiếu quản lý của các bậc phụ huynh. Ðây cũng chính là lý do mà chủ đề của năm An toàn giao thông 2018 là “An toàn giao thông cho trẻ em”.
Chủ quan, lơ là gây hậu quả lớn 16 tuổi, bao ước mơ, tương lai còn ở phía trước, thế nhưng giờ đây Nguyễn Phan Quang Huy (huyện An Lão) chẳng khác nào đứa trẻ lên 3. Mọi sinh hoạt cá nhân của Huy đều cần người thân hỗ trợ. Hôm chúng tôi đến thăm cũng là lúc mẹ Huy đang mớm cho em từng thìa cháo. Chị Phan Thị Chanh, mẹ Huy, không giấu được nỗi đau và sự ân hận: “Từ ngày cháu bị TNGT cách đây 1 năm, vợ chồng tôi phải thay nhau chăm cháu. Nhìn con mà thắt hết ruột gan...”. Thời điểm đó, Huy điều khiển xe máy một mình khi chưa đủ tuổi với tốc độ cao, lại không đội mũ bảo hiểm nên đã không làm chủ được tay lái. Cú tự ngã khiến Huy bị chấn thương sọ não nặng.
Chỉ một chút chủ quan, lơ là sẽ dẫn đến nhiều hậu quả khôn lường. Thế nhưng, mấy ai ý thức được điều ấy, khi mà trên đường phố hiện nay không quá khó để bắt gặp hình ảnh không ít học sinh dù chưa đủ tuổi vẫn đi xe phân khối lớn đến trường; hay đơn giản như việc thực hiện quy định về đội mũ bảo hiểm cho trẻ em khi tham gia giao thông trên phương tiện xe gắn máy, nhiều phụ huynh vẫn vi phạm. Theo thống kê của Ban ATGT tỉnh, tình trạng thanh thiếu niên dưới 18 tuổi gây TNGT năm 2017, chiếm gần 10%, tăng trên 3% so cùng kỳ, và trong tổng số các lỗi vi phạm giao thông có khoảng 25% lỗi do người lớn không đội mũ bảo hiểm cho trẻ em.
Là đối tượng dễ bị tai nạn khi tham gia giao thông, một phần cũng là do ý thức về ATGT của trẻ chưa cao. Nhiều học sinh đi xe đạp, xe gắn máy dàn hàng ngang, đua nhau phóng nhanh, lạng lách đánh võng trên đường vẫn xảy ra. Thực tế này cho thấy, các em cần được giáo dục, trang bị kiến thức và kỹ năng về tham gia giao thông cần thiết để tự bảo vệ mình.
Nâng cao nhận thức cho cộng đồng
Theo thống kê của ngành chức năng, có trên 90% số người lớn khi tham gia giao thông đội mũ bảo hiểm, nhưng ở trẻ em chỉ đạt từ 35-40%. Trước thực trạng này, Ủy ban ATGT quốc gia đã lựa chọn chủ đề năm ATGT 2018 là “ATGT cho trẻ em”, lấy trẻ em là mục tiêu và động lực xây dựng văn hóa giao thông cho toàn xã hội. Trong công tác này, việc nâng cao ý thức chấp hành các quy định pháp luật về trật tự ATGT, hình thành thói quen tốt cho trẻ em khi tham gia giao thông được đặc biệt chú trọng, nhất là đưa nội dung tuyên truyền ATGT vào trong trường học. Đây cũng chính là lý do mà Đội tuyên truyền Phòng CSGT đường bộ, đường sắt, CA tỉnh đã chủ động liên hệ với Ban giám hiệu nhiều trường học trên địa bàn tỉnh, xây dựng kế hoạch tuyên truyền về ATGT. Điều đáng mừng là Ban giám hiệu các trường học đều rất nhiệt tình, trách nhiệm trong việc phối hợp, tổ chức nhằm nâng cao ý thức cho học sinh, xem đó là hoạt động cần thiết, cấp bách, góp phần giảm thiểu TNGT. Trung tá Phạm Văn Nhật, Đội trưởng Đội tuyên truyền, phòng CSGT đường bộ, đường sắt CA tỉnh, cho biết: “Chúng tôi đẩy mạnh công tác tuyên truyền tại các trường học, đặc biệt tập trung vào các trường nằm dọc tuyến quốc lộ. Biện pháp tuyên truyền không chỉ cán bộ nói, học sinh nghe mà còn tổ chức các trò chơi để thu hút học sinh tham gia tích cực”.
Mới đây, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt CA tỉnh phối hợp với Trường THPT Bình Dương, huyện Phù Mỹ, tổ chức tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ cho khoảng 700 học sinh khối 11 và 12 cùng cán bộ, giáo viên của trường. Thông qua hình thức trò chơi hỏi đáp có thưởng vui nhộn, hoạt động này đã hướng dẫn học sinh những kiến thức cơ bản, đơn giản nhất để tham gia giao thông an toàn.
Có thể nói, 7 nhiệm vụ trọng tâm của kế hoạch tuyên truyền toàn dân và cộng đồng tham gia đảm bảo trật tự ATGT năm 2018 đều đặt ra vấn đề tạo điều kiện tốt nhất để xây dựng môi trường giao thông an toàn cho trẻ em, người lớn nêu gương về văn hóa giao thông để trẻ em có ý thức thực hiện an toàn giao thông ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
KIỀU ANH