Việt Nam là trọng tâm trong chính sách 'Hành động hướng Đông' của Ấn Độ
Nhân dịp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị Cấp cao kỷ niệm ASEAN - Ấn Độ và Lễ kỷ niệm 69 năm Ngày Cộng hòa Ấn Độ từ ngày 24-26.1.2018 tại New Delhi (Ấn Độ), phóng viên TTXVN đã có cuộc phỏng vấn Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam, ngài Parvathaneni Harish. Sau đây là nội dung phỏng vấn:
Đại sứ có thể cho biết mục đích và ý nghĩa chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị Cấp cao kỷ niệm quan hệ đối thoại ASEAN - Ấn Độ và Lễ kỷ niệm 69 năm Ngày Cộng hòa Ấn Độ từ ngày 24-26.1.2018?
Ngài Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam sẽ thăm Ấn Độ với tư cách là khách mời chính trong Ngày Cộng hòa của Ấn Độ cùng với 9 Nguyên thủ các nước thành viên ASEAN khác để kỷ niệm 25 năm Quan hệ đối thoại ASEAN - Ấn Độ và tham gia Hội nghị Cấp cao kỷ niệm quan hệ ASEAN-Ấn Độ vào ngày 25.1.2018. Tháp tùng Thủ tướng sẽ là đoàn cấp cao gồm bộ trưởng, thứ trưởng các bộ, ngành khác nhau của Chính phủ Việt Nam. Dự kiến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ có cuộc hội đàm cấp cao với Thủ tướng Narendra Modi. Hai bên dự kiến sẽ ký một số hiệp định, biên bản ghi nhớ về hợp tác song phương trong các lĩnh vực trọng điểm. Chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ là cuộc gặp thứ năm giữa hai vị Thủ tướng sau chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Narendra Modi đến Việt Nam vào tháng 9/2016, Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hamburg (Cộng hòa Liên bang Đức), Hội nghị Cấp cao ASEAN tại Viêng Chăn (Lào) và Manila (Philippines). Đây sẽ là cơ hội cho hai nhà lãnh đạo nhìn lại toàn bộ các vấn đề của mối quan hệ song phương và tiếp tục đề ra lộ trình tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước. ASEAN và Ấn Độ thiết lập quan hệ đối thoại từ năm 1992. Sau 25 năm hợp tác, hai bên đã thiết lập được 30 cơ chế đối thoại, bao gồm hội nghị thượng đỉnh và các cuộc họp cấp bộ trong nhiều lĩnh vực. Trong giai đoạn 2015 - 2018, Việt Nam là quốc gia điều phối quan hệ đối tác ASEAN - Ấn Độ. Đại sứ có nhận xét gì về quá trình hợp tác này cũng như vai trò của Việt Nam trong quan hệ đối tác ASEAN - Ấn Độ giai đoạn gần đây? ASEAN rất quan trọng với Ấn Độ trong mối quan hệ về lịch sử, khoảng cách địa lý, văn hoá và không gian chiến lược. ASEAN là các nước láng giềng mở rộng của Ấn Độ. Việt Nam là một thành viên tích cực của ASEAN, đồng thời cũng là trọng tâm trong chính sách "Hành động hướng Đông" của Ấn Độ. Vai trò của Việt Nam với tư cách là quốc gia điều phối quan hệ Ấn Độ - ASEAN từ tháng 8.2015 (đến năm 2018) đã giúp quan hệ hai nước chặt chẽ hơn. Trong dịp kỷ niệm 25 năm thành lập Quan hệ đối thoại ASEAN -Ấn Độ năm nay, Việt Nam và Ấn Độ đã hợp tác tổ chức thành công nhiều sự kiện kỷ niệm quan hệ này. Hội nghị Cấp cao kỷ niệm quan hệ đối thoại ASEAN - Ấn Độ lần này là bước đi tiên phong nhằm khép lại toàn bộ các hoạt động kỷ niệm đã diễn ra. Chính sách “Hành động Hướng Đông” đã trở thành một trụ cột quan trọng thông qua việc mở rộng quan hệ của Ấn Độ với ASEAN đến hợp tác quốc phòng và an ninh. Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ, bà Sushma Swaraj đã cho biết, các mốc quan trọng trong cam kết của Ấn Độ với ASEAN trong việc tăng cường các mối quan hệ chiến lược của hai bên là: Thương mại, Kết nối và Văn hoá. Ấn Độ và các nước ASEAN là các quốc gia hàng hải, với lịch sử lâu đời và chói lọi về thương mại trên biển. Chúng ta đã nối lại các mối liên hệ trong quá khứ trong một bối cảnh đương đại, để trở thành động lực thúc đẩy sự trỗi dậy của châu Á. Là một quốc gia có trách nhiệm, một trong những mối quan tâm về chính sách đối ngoại của Ấn Độ là phát triển kiến trúc khu vực dựa trên hai nguyên tắc về chia sẻ an ninh và thịnh vượng. Về vấn đề này Việt Nam và Ấn Độ có sự thống nhất cao. Xin Đại sứ đánh giá về những tiềm năng và triển vọng hợp tác Ấn Độ - ASEAN, đặc biệt là giữa Ấn Độ và Việt Nam? Ấn Độ và ASEAN chia sẻ tầm nhìn chung về thương mại toàn cầu và lĩnh vực hàng hải. Chúng tôi mong muốn hợp tác chặt chẽ với ASEAN trong một loạt các hoạt động bao gồm: phát triển kinh tế Xanh, giám sát bờ biển, xây dựng các hoạt động tuần tra ngoài khơi; công tác tìm kiếm cứu nạn nhân đạo, các dịch vụ thuỷ văn và chia sẻ thông tin để nâng cao nhận thức về các vấn đề hàng hải. Hội nhập kinh tế sâu hơn với khu vực ASEAN năng động là một khía cạnh quan trọng trong chính sách “Hành động Hướng Đông”. ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Ấn Độ, chiếm hơn 10% tổng thương mại của Ấn Độ. Mặt khác, Ấn Độ cũng là đối tác thương mại lớn của ASEAN; thương mại hai chiều đã tăng 8% trong 2016-2017 so với năm trước; các luồng đầu tư vẫn duy trì mạnh mẽ. Đó là nỗ lực không ngừng của chúng tôi để thúc đẩy tương tác và đối thoại giữa các doanh nghiệp và ngành nghề của ASEAN và Ấn Độ nhằm tăng cường hơn nữa hội nhập kinh tế song phương. Ấn Độ cũng đã thành lập Quỹ Phát triển dự án để khuyến khích các công ty Ấn Độ phát triển trung tâm sản xuất tại các nước CLMV (Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam). Ưu đãi tín dụng 1 tỷ USD của Ấn Độ là một sáng kiến quan trọng khác nhằm tăng cường kết nối giao thông và kỹ thuật số giữa Ấn Độ và các quốc gia thành viên ASEAN. Cùng với các sáng kiến kết nối giao thông kỹ thuật số đã sẵn sàng đưa tới một cộng đồng Ấn Độ-ASEAN rộng lớn hơn, di sản văn hoá chung giữa các quốc gia cũng là mối liên kết bền chặt. Ấn Độ tập trung thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo theo hướng cấp nhiều học bổng và chương trình đào tạo hơn cho các đối tác của Ấn Độ trong ASEAN, khởi xướng các dự án hợp tác phát triển mới và đầu tư vào tương lai của mối quan hệ này, đặc biệt là thế hệ trẻ. Qua một năm với nhiều mốc quan trọng trong quan hệ của Ấn Độ với Việt Nam và ASEAN, chúng tôi đã hoàn thành được nhiều cuộc trao đổi giữa nhân dân các nước, nền tảng thực sự của tình bạn của chúng ta. Về phía Việt Nam, Ấn Độ nhận thấy có nhiều tiềm năng lớn cho mối quan hệ hai nước, đặc biệt là từ khi nâng cấp lên Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Thương mại song phương đã chứng kiến sự tăng trưởng liên tục trong nhiều năm qua. Trong giai đoạn 2016-2017, lần đầu tiên, thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ vượt quá 10 tỷ USD, tăng 30% so với năm trước. Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ tư của Ấn Độ trong các nước ASEAN và Ấn Độ nằm trong 10 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Chúng tôi đang nỗ lực để đạt được mục tiêu thương mại mà lãnh đạo hai bên đặt ra là 15 tỷ USD vào năm 2020. Nhiều doanh nghiệp Ấn Độ đang tìm cách đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực khác nhau như: dầu khí, năng lượng mặt trời và gió, nông nghiệp, khoáng sản, khai thác mỏ và hàng dệt may. Cả hai nước đều hợp tác mạnh mẽ về quốc phòng và an ninh; đây là những trụ cột vững chắc trong quan hệ đối tác chiến lược của chúng ta. Hợp tác giáo dục và đào tạo trong lực lượng vũ trang và hợp tác trong ngành công nghiệp quốc phòng là những lĩnh vực có tiềm năng to lớn. Cả hai nước đều hợp tác tích cực trong việc sử dụng hòa bình không gian vũ trụ, năng lượng nguyên tử, hợp tác khoa học và công nghệ, hợp tác về an ninh mạng và công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, hợp tác văn hoá giữa hai nước đã ghi nhận đà phát triển đáng kể với việc thành lập Trung tâm Văn hoá Ấn Độ tại Hà Nội. Một đoàn khảo sát Khảo cổ học của Ấn Độ hiện đang trong quá trình khôi phục và bảo tồn khu di sản thế giới UNESCO tại Mỹ Sơn. Trong năm 2017, các nhà khoa học Ấn Độ đã khai quật được vô số đồ tạo tác. Sự phổ biến rộng rãi của yoga và sự tham gia của hàng ngàn người Việt Nam trong Ngày Quốc tế Yoga và lượng khách du lịch tăng cao trong thời gian vừa qua cũng là những bằng chứng khác về việc giao lưu văn hoá và tương tác giữa nhân dân hai nước ngày càng tăng. Trân trọng cảm ơn Đại sứ!
Theo Thu Phương (Tin tức)