CẤP NƯỚC SINH HOẠT KHU VỰC NÔNG THÔN:
Mở rộng hệ thống, nâng cao chất lượng nước
Mở rộng hệ thống cấp nước của các công trình cấp nước tập trung đã xây dựng và nâng cao chất lượng nước là những giải pháp quan trọng được ngành chức năng triển khai, nhằm đáp ứng yêu cầu về nước sạch của người dân ở khu vực nông thôn.
Lắp đặt đường ống dẫn nước từ công trình cấp nước tập trung Đông Nam huyện Hoài Nhơn đến các hộ dân.
97,5% dân cư nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh
Theo thống kê của ngành chức năng, toàn tỉnh hiện có 136 công trình cấp nước tập trung (CTCNTT) bằng trọng lực và động lực, tổng công suất thiết kế 44.920m3/ngày đêm. Trong đó Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (NS&VSMTNT - thuộc Sở NN&PTNT) được giao nhiệm vụ quản lý, vận hành 7 CTCNTT quy mô lớn với tổng công suất trên 21.000 m3/ngày đêm; các công trình còn lại do chính quyền các địa phương quản lý.
Thực tế cho thấy, nhiều CTCN được các đơn vị quản lý, vận hành đúng quy trình, nên hoạt động tốt, chất lượng nước đảm bảo, được người dân tin dùng. Ông Lê Minh Tâm, ở xã Cát Nhơn (Phù Cát), thổ lộ: “Năm 2015, sau khi CTCNTT Phù Cát vận hành, gia đình tôi đã lắp đặt đường ống dẫn nước sạch từ hệ thống đường ống chính của công trình về nhà sử dụng, tiện lợi và đảm bảo sức khỏe hơn dùng nước giếng nhiều”.
Còn ông Nguyễn Văn Bốn, ở xã Phước Sơn (Tuy Phước), cho biết: “Khi chưa có CTCN Phước Sơn, bà con chúng tôi thường bỏ than và cát vào lu lắng lọc nước bị nhiễm phèn để dùng. Vào mùa khô, phải mua nước của một số hộ trong thôn dùng ghe chở từ Nhơn Hội về bán với giá cao. Nay, nước sinh hoạt đã về tận nhà, bà con đã hết vất vả chuyện nước nôi”.
Ông Nguyễn Văn Tánh, Giám đốc Trung tâm NS&VSMTNT tỉnh, cho biết: Các công trình do Trung tâm quản lý cấp nước cho 43.288 hộ dân tại 24 xã trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng tỉ lệ dân cư khu vực nông thôn trong tỉnh được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh lên 97,5%, trong đó có 60% dân cư được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn 02 (QCVN: 02) của Bộ Y tế. Việc cấp nước sinh hoạt lợi ích về nhiều mặt, góp phần hạn chế dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe người dân, và còn góp phần làm đẹp cảnh quan ở khu vực nông thôn, giúp các địa phương thực hiện có hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Theo ngành chức năng của tỉnh, trong thời gian tới, việc xây dựng mới các CTCNTT là rất khó, bởi không còn nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu Quốc gia NS&VSMTNT; trong khi các DN ngần ngại đầu tư kinh doanh lĩnh vực cấp nước sinh hoạt khu vực nông thôn. Do vậy, để đảm bảo mục tiêu của tỉnh đến năm 2020 nâng tỉ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 100%, cần phải nâng cao năng lực quản lý, phát huy hiệu quả các công trình đã xây dựng, đồng thời nâng cao chất lượng nước.
Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: “Sở NN&PTNT sẽ chỉ đạo Trung tâm NS&VSMTNT tăng cường năng lực quản lý, vận hành, đảm bảo các CTCNTT đã xây dựng hoạt động thông suốt. Điều động thêm cán bộ kỹ thuật tại các nhà máy để mở thêm mạng lưới, lắp đặt thêm đường ống dẫn nước về nhà dân khi người dân có nhu cầu, nhằm phát huy hiệu quả các công trình. Thường xuyên kiểm tra, gia cố các công trình đầu mối, đường ống có nguy cơ bị hư hỏng, nhất là đoạn đường ống qua các cầu, cống. Kiểm tra lại hệ thống điện, hệ thống xử lý nước, nhà kho chứa hóa chất... nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra, đảm bảo quản lý, bảo vệ và vận hành tốt các CTCN tất cả các mùa trong năm.
Bên cạnh đó, tiến hành theo dõi, cập nhật số liệu, đánh giá thực trạng chất lượng NS&VSMTNT theo chỉ đạo của Bộ NN&PTNT. Phối hợp với các địa phương kiểm tra, thống kê, đánh giá lại tài sản, xác định giá trị còn lại của các CTCNTT đã xây dựng do địa phương quản lý, trên cơ sở đó tham mưu đề xuất UBND tỉnh xem xét quyết định giá và thanh lý, thu hồi một số công trình bị hư hỏng giao cho các đơn vị có năng lực quản lý, vận hành; hoặc tổ chức lại các mô hình quản lý để các CTCN phát huy tác dụng. Mặt khác, xây dựng kế hoạch phát triển các CTCNTT khu vực nông thôn có quy mô vừa và lớn trình UBND tỉnh kêu gọi đầu tư, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới.
PHẠM TIẾN SỸ