Nhận diện thông tin xấu, độc
Tết Âm lịch, còn gọi là Tết Nguyên Đán (hay còn gọi là Tết Cả, Tết Ta, Tết Cổ truyền hay chỉ đơn giản còn gọi là Tết) là dịp lễ quan trọng nhất của người Việt.
Theo truyền thống, ngày Tết Nguyên Đán có ý nghĩa thiêng liêng, gắn bó trong tâm hồn, tình cảm của mỗi người Việt. Mâm ngũ quả trên bàn thờ gia tiên, bánh chưng xanh, đòn bánh tét, chậu cúc, cành mai, cành đào khoe sắc… đã ăn sâu vào máu thịt của người Việt Nam, dù đang ở đâu, đến đâu, đi đâu trên thế giới này!
Ngày Tết còn là dịp mọi người tìm về, đoàn tụ trên mảnh đất đã sinh ra, nuôi dưỡng và chắp cánh cho họ bay cao, vươn xa; để từ đó nhìn về và nhớ nhung da diết mảnh đất quê cha, đất tổ đã nuôi mình khôn lớn thành người hữu dụng. Số đông là vậy!
Nhưng có một số ít người lại quay lưng, nép mặt, bôi xấu quê hương, đất nước mình bằng giọng điệu hằn học. Thậm chí, không ít người là cán bộ đương nhiệm, là nhà báo, nhà văn, nhà thơ… nhưng lại uốn cong ngòi bút dưới danh nghĩa chống tiêu cực, tập hợp nhóm người cùng hội cùng thuyền để bình luận (comment) theo chiều hướng tiêu cực.
Một số người, cũng không nhiều, có lúc là “ông này, bà nọ” nhưng sau khi “rời ghế” thì lại quay ngoắt 180 độ để chửi đời, chửi chế độ, chê cán bộ, tự tôn mình. Thông qua mạng xã hội họ đã và đang tiếp tay cho những thông tin xấu độc lan truyền, tác động rất tiêu cực cho xã hội. Đó là thông tin kích động chiến tranh, gây thù hằn dân tộc, đòi lật đổ chế độ, thông tin độc hại xúc phạm nhân phẩm, danh dự cá nhân, thông tin gây phương hại cho sức khỏe tính mạng, danh dự, nhân phẩm và tinh thần của con người…
Vì vậy, mọi người cần nhận diện chính xác để phòng ngừa và đấu tranh với nó.
Lê Phương