Hết tình, còn nghĩa
Hết tình thì còn nghĩa. Vậy mà, để giành quyền nuôi con, vợ chồng chị V.T.H.N. (Phù Mỹ) đã kiện nhau ra tòa, đến nay vẫn chưa phân định.
Yêu rồi cưới, nhưng vì không thể tiếp tục cuộc hôn nhân, vợ chồng chị N. quyết định ly hôn sau 5 năm chung sống, mọi chuyện được giải quyết gọn ghẽ ngoại trừ quyền nuôi con. Tại thời điểm ly hôn, con chung của 2 vợ chồng là cháu T. chưa đủ 36 tháng tuổi nên ở phiên tòa sơ thẩm, hội đồng xét xử tuyên quyền nuôi con thuộc về chị N. Bản án có hiệu lực từ cuối tháng 8.2016, song đến nay chị N. vẫn chưa được thực hiện quyền thiêng liêng ấy. Ngay cả việc đến thăm con cũng gặp khó khăn, dù Chi cục Thi hành án dân sự huyện đã ban hành nhiều quyết định thi hành án. Chị N. nức nở: “Bản án xét xử tôi nuôi con nhưng thực tế tôi không được quyền đó. Tôi sẽ tiếp tục theo đuổi đến cùng để giành quyền nuôi con”.
Đáng nói, trong khi bản án của tòa chưa được thi hành thì chồng cũ của chị N. lại có đơn yêu cầu thay đổi quyền nuôi con và đã được chấp thuận.
Theo Điều 84 Luật Hôn nhân gia đình, chỉ thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn khi cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con; người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Ngoài ra, việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 7 tuổi trở lên. Trong trường hợp xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì Tòa án quyết định giao con cho người giám hộ, theo quy định của Bộ luật Dân sự.
Luật quy định là vậy, thế nhưng trong vụ việc này, bản án có hiệu lực chưa được thi hành thì lại có bản án khác. Theo chuyên viên trợ giúp pháp lý Lê Thành Trung: “Trong trường hợp muốn thay đổi quyền nuôi con trực tiếp thì phải căn cứ theo các điều kiện của Điều 84 Luật Hôn nhân gia đình. Trong trường hợp này, chị N. vẫn chưa được nhận nuôi con ngày nào thì không thể có căn cứ để nói rằng chị không đủ điều kiện nuôi con và có hành vi ngăn cản việc thăm nom con của chồng cũ”.
Sự việc còn chưa có hồi kết, nhưng việc con trẻ xa mẹ hay thiếu vắng cha cũng đều là một thiệt thòi quá lớn. Nên chăng, người lớn hãy cùng ngồi lại để tìm tiếng nói chung vì những điều tốt nhất cho con trẻ, hơn là kéo nhau đi từ phiên tòa này đến phiên tòa khác.
QUY THÀNH