Tập trung tuyên truyền pháp luật ở các lĩnh vực nóng
Phát biểu tại hội nghị Triển khai công tác tư pháp năm 2018 tổ chức ngày 24.1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu cho rằng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thời gian qua có nhiều tiến bộ, nhưng chưa đáp ứng tốt yêu cầu thực tế. Tập trung tuyên truyền ở các lĩnh vực nóng là yêu cầu đặt ra để nâng cao hiệu quả công tác này.
Năm 2017, có gần 10.000 cuộc phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trực tiếp được tổ chức trên địa bàn tỉnh, tăng 15% so với năm 2016. Các tài liệu PBGDPL tiếp tục được phát hành miễn phí rộng rãi. Chương trình PBGDPL được phát sóng trên 8.800 lần trên đài truyền thanh xã; có trên 10.700 tin, bài về pháp luật được đăng tải, phát trên phương tiện thông tin đại chúng.
Nhiều nét mới
Đáng chú ý, để tuyên truyền về “Ngày Pháp luật nước Cộng hòa XHCN Việt Nam” năm 2017, Sở Tư pháp đã phối hợp với Công ty TNHH MTV Truyền thông Văn Hiến huy động được 35 triệu đồng từ 34 DN để thực hiện treo 16 tấm băng rôn, 150 tấm pa nô tại các tuyến đường chính ở TP Quy Nhơn. “Thực hiện xã hội hóa công tác PBGDPL trong hoạt động truyền thông là việc rất khó”, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng PBGDPL (Sở Tư pháp) Hồ Mỹ Ngọc Chân chia sẻ.
“Các bộ luật được Nhà nước ban hành đều phải đến tai người dân, làm số người không biết, vi phạm thấm dần dần để xây dựng nền tư pháp mạnh mẽ, đúng luật, vì dân”
Phó Chủ tịch UBND tỉnh TRẦN CHÂU
PBGDPL cũng nhận được sự quan tâm của nhiều ngành, đơn vị. Từ năm 2015 đến nay, Viện KSND tỉnh đã phát huy hiệu quả cuộc thi “Chúng tôi là kiểm sát viên”. Các cuộc thi đều được ghi hình, phát sóng trên Đài PT-TH tỉnh; ngoài cán bộ công chức của ngành còn có đoàn viên thanh niên, cán bộ địa phương theo dõi trực tiếp.
“Cuộc thi đã giúp cho việc triển khai áp dụng các bộ luật mới vào thực tiễn đạt hiệu quả cao, lan tỏa đến mọi tầng lớp nhân dân. Qua đó, giúp người dân hiểu đầy đủ hơn trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng nói chung và ngành KSND nói riêng trong việc tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân”, Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh Phạm Trung Thuận nhận định.
Với lực lượng BĐBP tỉnh, Đề án “Tăng cường PBGDPL cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2017 - 2021” tiếp tục được chú trọng với nhiều hình thức đa dạng, tuyên truyền mọi lúc mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh, điều kiện; tập trung vào cán bộ xã - thôn, học sinh, hội viên các đoàn thể và ngư dân đánh bắt trên biển dài ngày. Đại tá Nguyễn Ngọc Anh, Chính ủy BĐBP tỉnh, cho hay: “Gần đây, chúng tôi rất quan tâm đến đối tượng học sinh để giúp thế hệ tương lai có kiến thức, hình thành ý thức giữ gìn chủ quyền biển đảo”.
Dồn sức cho các lĩnh vực nóng
Thời gian qua, tình hình khiếu kiện, khiếu nại về đất đai, môi trường trên địa bàn tỉnh còn diễn biến phức tạp, nhất là khiếu kiện tại các cơ quan Trung ương. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu, thực trạng đó chứng tỏ công tác tuyên truyền “chưa tới nơi tới chốn”, người dân còn chưa hiểu, chưa nắm hết chính sách pháp luật.
“Vẫn còn tình trạng chưa áp dụng đúng quy định pháp luật, chưa nắm vững cơ sở pháp lý để giải quyết hài hòa, làm nảy sinh khiếu nại, khiếu kiện. Nhiều cán bộ “lơ mơ”, chưa nắm chắc pháp luật để xử lý công việc. Rồi hiệu quả tuyên truyền đến đâu, tuyên truyền cho ai? Có đến được người dân không? Phải thừa nhận lực lượng tuyên truyền lớn, nhưng hiệu quả đến tai người dân thì ít lắm”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu nói.
Tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Bá được nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước. Sở Tư pháp nhận Cờ thi đua dẫn đầu phong trào thi đua năm 2017 và Bằng khen của Bộ Tư pháp. 5 tập thể (trong đó có Báo Bình Ðịnh) và 7 cá nhân được nhận Bằng khen của UBND tỉnh về thành tích trong hoạt động PBGDPL.
Để nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, phải vào cuộc ở những lĩnh vực nóng nhất thì mới hiệu quả. Đầu tiên là tuyên truyền và xử phạt nghiêm minh để kéo giảm TNGT. Bởi, phần lớn các vụ TNGT nghiêm trọng gây chết người xuất phát từ ý thức của người tham gia giao thông còn kém.
Tiếp đó, hơn 90% các vụ khiếu kiện liên quan đến đất đai đặt ra yêu cầu tăng cường hướng dẫn và tuyên truyền Luật Đất đai để người dân hiểu và làm đúng. Bên cạnh đó là các luật mới, như Luật Hình sự, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước… cần sự phối hợp của nhiều sở, ngành, đoàn thể để đưa luật vào cuộc sống.
Ngoài tuyên truyền, ngành Tư pháp cũng có trách nhiệm trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. “Phải vào cuộc giúp UBND tỉnh giải quyết các vụ việc thấu tình đạt lý, tránh khiếu kiện kéo dài; nhất là khi các chính sách liên quan đến đất đai thường xuyên thay đổi. Ngành Tư pháp cũng cần xem xét lại tính pháp lý của các văn bản điều hành của tỉnh, đảm bảo phù hợp với chính sách của trung ương và địa phương”, ông Trần Châu lưu ý.
NGUYỄN VĂN TRANG