ÐÀO TẠO NGHỀ CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN TẠI TX AN NHƠN:
Trao “cần câu” cho người lao động
Với phương châm trao “cần câu” hơn cho “con cá”, UBND TX An Nhơn chú trọng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hướng dựa trên nhu cầu thực tế của người lao động; gắn đào tạo nghề với quy hoạch phát triển KT-XH từng địa phương.
Theo thống kê của Phòng LĐ-TB&XH TX An Nhơn, từ năm 2015 - 2017, UBND thị xã phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) thị xã tổ chức 51 lớp đào tạo nghề miễn phí cho lao động nông thôn (LĐNT) tại các xã, phường với hơn 1.600 học viên tham gia. 2 loại hình được đào tạo gồm trình độ sơ cấp (thời gian học 3 tháng) đối với các nghề phi nông nghiệp, như: may công nghiệp, điện dân dụng, kỹ thuật chế biến món ăn, hàn điện; đào tạo nghề thường xuyên (thời gian học dưới 3 tháng) cho các nghề nông nghiệp, như: nuôi và phòng trị bệnh cho gia súc, sửa chữa máy nông nghiệp. Trong đó, các ngành nghề thu hút đông LĐNT tham gia là may công nghiệp, kỹ thuật chế biến món ăn, nuôi và phòng trị bệnh cho heo.
Với phương châm “trăm hay không bằng tay quen”, Trung tâm GDNN-GDTX TX An Nhơn đã tăng cường cho học viên tham quan, tiếp cận thực tế tại một số cơ sở chăn nuôi, xưởng sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống… Nhờ đó, chất lượng đào tạo nghề được nâng cao, các học viên tiếp thu kiến thức nhanh và tìm được việc làm sau khi kết thúc khóa học hoặc trực tiếp chăn nuôi, sản xuất tại gia đình đạt hiệu quả, năng suất cao.
Chị Phạm Thị Bích Liễu (ở xã Nhơn Hậu) cho biết: “Đầu năm 2017, tôi tham gia lớp dạy nghề may công nghiệp do UBND TX An Nhơn và Trung tâm GDNN-GDTX thị xã mở tại xã Nhơn Hậu. Kết thúc khóa học, tôi xin được việc làm tại Công ty CP may An Nhơn với mức lương ổn định, đủ trang trải cuộc sống. Không riêng tôi, nhiều chị em khác tham gia học nghề cũng có công ăn việc làm ổn định”.
“Hoàn thành khóa học nuôi và phòng trị bệnh cho heo được tổ chức tại địa phương, tôi được biết thêm nhiều kiến thức về kỹ thuật nuôi và chăm sóc heo nên mạnh dạn đầu tư, xây dựng chuồng trại, mở rộng quy mô chăn nuôi tại nhà. Vốn kiến thức có được đã giúp tôi hạn chế dịch bệnh, chăm sóc heo tốt, nhanh tăng trưởng, cho hiệu quả kinh tế cao”, bà Trần Thị Hảo (ở xã Nhơn Thọ) phấn khởi nói.
Ngoài ra, để trao “cần câu” bền vững cho người lao động, sau khi kết thúc khóa học, Trung tâm GDNN-GDTX thị xã chịu trách nhiệm giới thiệu, hướng dẫn lập thủ tục hồ sơ việc làm miễn phí cho học viên đến các DN, cơ sở sản xuất có nhu cầu tuyển dụng lao động. Đối với học viên lớn tuổi, không đáp ứng yêu cầu về độ tuổi tuyển dụng, Trung tâm phối hợp với chính quyền địa phương hướng dẫn, giới thiệu đến các cơ sở để nhận hàng gia công; ngoài ra, khuyến khích học viên theo nghề được đào tạo để phát triển kinh tế hộ gia đình.
Ông Đỗ Thành Long, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX TX An Nhơn, cho biết: “Với cách làm trên, Trung tâm giúp hơn 90% học viên theo học nghề phi nông nghiệp tìm được việc làm sau khi hoàn thành khóa học. Đối với các học viên vận dụng nghề được đào tạo để phát triển kinh tế hộ gia đình (chủ yếu là các nghề nông nghiệp), Trung tâm cử giáo viên bộ môn trực tiếp tới nhà hướng dẫn, tư vấn kỹ thuật miễn phí khi người dân có nhu cầu, qua đó người học áp dụng hiệu quả những nghề đã học vào sản xuất, chăn nuôi”.
Ông Phạm Văn Hiển, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH TX An Nhơn, đánh giá: Những năm qua, thị xã mở nhiều lớp dạy nghề đáp ứng nhu cầu của người dân, đem lại hiệu quả thiết thực. Kiến thức và kinh nghiệm mà học viên tiếp thu sau mỗi khóa học trở thành “cần câu” giúp họ phát triển kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo. Thời gian tới, thị xã tiếp tục đẩy mạnh đào tạo nghề cho LĐNT; trong đó, chú trọng các ngành nghề phù hợp với điều kiện phát triển của thị xã, gắn với xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, tập trung đào tạo nghề bằng hình thức liên kết với các DN, cơ sở sản xuất kinh doanh để người học nắm vững nghề và có việc làm ngay sau khi kết thúc khóa học.
C.LUẬN - X.THỨC