Phát triển năng lượng tái tạo: Cần “đòn bẩy”
Trong bối cảnh nguồn năng lượng hóa thạch đang dần cạn kiệt và đối mặt với áp lực lớn về môi trường, việc khai thác nguồn năng lượng tái tạo được xác định là hướng đi mới. Bình Ðịnh được đánh giá dồi dào tiềm năng về điện gió và điện mặt trời, song còn lắm khó khăn để khai thác nguồn năng lượng thiên nhiên này.
Tiềm năng lớn
Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Bình Định giai đoạn 2016 - 2025, xét đến 2035 dự báo tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm giai đoạn 2016 - 2020 là 14,2%. Tại Bình Định, việc phát triển thủy điện đã bão hòa, chỉ còn 11 thủy điện nhỏ với công suất 366 MW do Bộ Công Thương phê duyệt trước đây. Theo đánh giá của Viện Năng lượng, tỉnh ta ít có tiềm năng sản xuất điện từ nguồn sinh khối. Tiềm năng địa nhiệt phục vụ phát điện còn trong giai đoạn nghiên cứu, chưa được khảo sát, đánh giá.
Hiện Bình Định mới chỉ có điện mặt trời lắp mái quy mô nhỏ dùng cho hộ gia đình, trường học.
Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH MTV Công nghệ Ánh Dương lắp tấm pin mặt trời cho một trường học ở Tuy Phước.
Tuy nhiên, điện mặt trời có tiềm năng rất tốt, tương đương với một số tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung bộ và Nam bộ. Cường độ bức xạ mặt trời ước tính 5,24 kWh/m2/ngày, cao hơn mức trung bình 3 - 5 kWh/m2/ngày của cả nước. Số giờ nắng bình quân gần 7 giờ/ngày. Ngoài điều kiện khí hậu thuận lợi, các khu vực được nhiều nhà đầu tư quan tâm nghiên cứu đề xuất dự án (DA) điện mặt trời như Khu kinh tế Nhơn Hội, các huyện Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn, Tây Sơn, Vĩnh Thạnh còn có thế mạnh là nằm ở vùng ít có người dân sinh sống, việc giải phóng mặt bằng không gặp nhiều trở ngại.
Về điện gió, tuy không bằng một số tỉnh phía Bắc nhưng tiềm năng của Bình Định tốt hơn các tỉnh phía Nam. Nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh như Khu kinh tế Nhơn Hội, xã Mỹ An (Phù Mỹ) có tốc độ gió trên 6m/giây; với công nghệ hiện đại, chỉ cần tốc độ gió 5m/giây trở lên, tua bin đã có thể phát điện. Ước tính với diện tích phát triển điện gió trên 300 ha (chủ yếu trên đất liền), có thể tạo ra khoảng 600 MW điện.
Cần sự hỗ trợ
Theo ông Man Ngọc Lý, Giám đốc Sở Công Thương, dù có nhiều tiềm năng phát triển điện mặt trời và điện gió, nhưng trước đây việc thu hút và triển khai các DA đầu tư vào lĩnh vực này rất khó khăn. Hai DA điện gió là Nhà máy Phong điện Phương Mai I, III “án binh bất động” suốt thời gian dài kể từ khi cấp giấy chứng nhận đầu tư vào năm 2007 và 2009. Nguyên nhân chính là do nhà nước chưa hỗ trợ giá bán điện.
Gần đây, trước thông tin Bộ Công Thương đang trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh tăng giá bán điện của các DA điện gió, tình hình chuyển biến tích cực hơn. Hiện có 5 nhà đầu tư vào lĩnh vực điện gió/điện gió kết hợp điện mặt trời với tổng công suất 162 MW, diện tích gần 1.053 ha.
Tuy nhiên, theo quy định, chỉ những dự án điện mặt trời đi vào vận hành trước ngày 30.6.2019 mới được hưởng giá bán ưu đãi 9,35 cent/kWh. “Thời gian này là quá ngắn - ông Lê Thanh Vinh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Điện TTC Tây Sơn - Bình Định, nhà đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời TTC - Tây Sơn 1 và Tây Sơn 2 nói - DN còn chưa đầy 2 năm để triển khai DA trong khi việc hoàn chỉnh thủ tục hồ sơ mất nhiều thời gian”.
Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư không yên tâm khi chưa rõ cơ chế bán điện và chính sách ưu đãi với DA triển khai sau năm 2019. Hệ thống tiêu chuẩn chuyên ngành liên quan đến thiết kế, vận hành trong lĩnh vực năng lượng tái tạo chưa đầy đủ. Việc tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển năng lượng tái tạo còn khó khăn… Do đó, các nhà đầu tư mong muốn tỉnh kiến nghị Chính phủ xây dựng chính sách lâu dài, ổn định để tăng độ tin cậy cho phát triển năng lượng tái tạo. Đặc biệt, cần điều chỉnh giá bán điện gió hợp lý hơn.
“Để thu hút đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh, Sở Công Thương đang triển khai lập quy hoạch phát triển điện mặt trời và điện gió giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2030. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi về mặt đất đai, pháp lý để các nhà đầu tư sớm triển khai dự án trong thời gian đến”, ông Man Ngọc Lý cho biết.
TỐ UYÊN