“Siết” điều hành, quản lý giá dịp Tết: Không để xảy ra “sốt” giá!
Giá cả hàng hóa tiêu dùng luôn là vấn đề “nóng” thu hút sự quan tâm của người dân dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Yêu cầu cấp bách đặt ra thời điểm này là siết chặt công tác điều hành quản lý, kiểm soát chặt giá hàng hóa, dịch vụ.
Doanh nghiệp đưa hàng hóa về phục vụ người dân vùng nông thôn trong tỉnh.
Tránh gây tăng giá cục bộ
Điều dễ thấy trong dịp Tết Nguyên đán là giá cả thị trường luôn có sự biến động, đặc biệt nhóm hàng thực phẩm công nghệ, thực phẩm tươi sống. Cơ quan quản lý dự báo nhu cầu tăng rất cao, khoảng 20%, nên giá nhiều loại hàng hóa, dịch vụ tăng mạnh.
Phụ thu giá cước vận tải tối đa 60%
Giá cước VTHK các tuyến liên tỉnh từ Bình Ðịnh đi TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Vũng Tàu, Tiền Giang, Tây Ninh và ngược lại, phụ thu từ 20 - 60%, thực hiện từ ngày 28.1 (12 tháng Chạp) đến 18.2 (mùng 3 tháng Giêng). Tuyến Bình Ðịnh đi các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên và ngược lại, phụ thu tối đa không quá 40% giá vé; tuyến Quy Nhơn - Vinh, Bến xe nước ngầm Hà Nội và ngược lại, phụ thu tối đa không quá 50% giá vé, áp dụng từ ngày 6.2 (21 tháng Chạp) đến 25.2 (mùng 10 tháng Giêng). Các tuyến nội tỉnh phụ thu tối đa không quá 30% giá vé, áp dụng trước Tết 10 ngày và sau Tết 10 ngày.
Từ cuối tháng 12.2017 UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành và địa phương trong tỉnh tăng cường công tác điều hành, quản lý và kiểm soát chặt giá cả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất. Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về giá, thuế, phí đối với những mặt hàng thuộc danh mục Nhà nước định giá, mặt hàng bình ổn giá, đặc biệt đối với những hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu phục vụ người dân trong dịp Tết. Tập trung tăng cường lực lượng thực hiện tốt công tác chống buôn lậu tại các địa bàn trọng điểm, góp phần bình ổn thị trường.
“Sức mua tăng cao trước Tết dễ xảy ra tình trạng sốt hàng ảo, tạo đà tăng giá. Sở Tài chính đã phối hợp với các sở, ngành, đơn vị quản lý, chú trọng kiểm soát giá cả hàng hóa, dịch vụ để thực hiện bình ổn giá theo quan điểm chỉ đạo của tỉnh là không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá, đầu cơ gây tăng giá cục bộ. Đồng thời, xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân có hành vi vi phạm, lợi dụng thời gian cao điểm để tăng giá tùy tiện, trái pháp luật hoặc tăng giá dây chuyền khi yếu tố hình thành giá không có biến động lớn”- Phó Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Thị Tuyết Mai cho biết.
Đến thời điểm này, chương trình kiểm soát về giá hàng hóa, bảo đảm bình ổn thị trường dịp trước, trong và sau Tết với hơn 33,8 tỉ đồng đã được tỉnh tạm ứng ngân sách cho 5 DN trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện. Ông Lê Hồng Tây, Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương) cho hay: “Với cách làm này, không chỉ người dân được tiếp cận với hàng hóa thiết yếu đúng giá mà còn tác động góp phần bình ổn giá sản phẩm, hàng hóa tại các chợ và cơ sở kinh doanh”.
Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát để bình ổn giá những hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu phục vụ người dân trong dịp Tết. Ảnh: Văn Lưu
Tăng cường quản lý, bình ổn giá
Kế hoạch kiểm tra chấp hành pháp luật về giá đầu tiên của năm 2018 đã được Sở Tài chính triển khai thực hiện từ cuối tháng 1, trọng tâm kiểm tra việc kê khai giá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng xăng dầu, cước vận tải, khí hóa lỏng, phân bón, vật liệu xây dựng…
Với ngành Công Thương, Chi cục Quản lý thị trường và các đội quản lý thị trường kiểm soát tình hình giá cả thị trường, hoạt động cung cầu đối với các mặt hàng thiết yếu, nhóm các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, tránh tình trạng đầu cơ, găm hàng, nâng giá bán bất hợp lý.
Với dịch vụ vận tải hành khách (VTHK), theo Sở GTVT, ngày 23.1, liên ngành GTVT, Tài chính, đơn vị quản lý Bến xe khách trung tâm và đại diện các DN VTHK có lượng đầu xe lớn đã thống nhất tỉ lệ phụ thu cước VTHK tuyến cố định, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị VTHK trong việc kê khai giá cước vận chuyển phục vụ hành khách, đồng thời bảo đảm mức giá cước ngày Tết không tăng bất hợp lý. Tỉ lệ phụ thu và thời gian thực hiện tùy theo tuyến và lưu lượng khách và hoạt động tuyến để bù chiều “rỗng” khách.
“Chúng tôi đã có kịch bản thỏa thuận với đơn vị quản lý bến và 39 DN có tổ chức tuyến VTHK cố định để đưa ra mức phụ thu cụ thể cho từng thời điểm. Giá cước phụ thu được niêm yết tại phòng bán vé của bến xe, đơn vị vận tải để thông tin rõ ràng đến người dân về việc tăng giá”, ông Lê Anh Tuấn, Trưởng phòng Kế hoạch- Tài chính (Sở GTVT) thông tin.
Trong đợt kiểm tra công tác điều hành, quản lý giá nói chung và giá dịp Tết nói riêng, ông Nguyễn Văn Truyền, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) nhấn mạnh: “Trọng tâm là đảm bảo giá bình ổn các mặt hàng, sản phẩm thiết yếu phục vụ người dân. Song, cũng cần đặc biệt lưu ý kiểm tra, kiểm soát giá một số dịch vụ cứ vào Tết là tự “nhảy múa”, tăng giá vô tội vạ khiến người dân bức xúc, như dịch vụ giữ xe đạp, xe máy, tham quan, du lịch…”.
THU HIỀN