“Chuyện tình làng võ”
Tối 24.1, Đoàn Ca kịch bài chòi Bình Định tổng duyệt vở mới - “Chuyện tình làng võ” sau hơn 1 tháng dàn dựng. Là tác phẩm sân khấu đầu tiên về đề tài võ cổ truyền, vở diễn đã để lại dư vị đẹp khi ra mắt công chúng.
Cảnh Điền (phải) và Du ở lần quyết đấu cuối cùng.
Bối cảnh trong “Chuyện tình làng võ” là ở lò võ thuộc môn phái Bình Võ Đạo tại một làng ven sông Lại Giang (Bình Định), vào thập niên 60 - thế kỷ XX khi quê hương, đất nước lâm vào khói lửa chiến tranh. Thầy võ Sinh và các môn sinh yêu nước (Điền, Tú, Tung, Út…) đã khéo léo dùng võ bảo vệ dân, bí mật hỗ trợ cách mạng. Trong các môn sinh, Điền xuất sắc hơn cả. Mang hoài bão cách mạng, lại được mẹ già, thầy và người yêu (Tú- con gái thầy Sinh) ủng hộ, Điền theo kháng chiến.
Không chỉ chiến tranh, chuyện tình đẹp của Điền và Tú còn chịu ly tán oan uổng bởi âm mưu của kẻ thứ 3 - Du, sĩ quan quân đội Sài Gòn, từng là bạn đồng môn với Điền nhưng rời bỏ lò võ vì thất bại tình riêng, khác lý tưởng với môn phái. Hại mẹ bạn, cướp người yêu của bạn, nhưng Du vẫn giữ được mạng vì Điền không nỡ xuống tay. Ấy vậy mà nỗi thù hận trong Du lại thêm chất chồng.
Hết chiến tranh, Điền - trở về lò võ ven sông, khôi phục môn phái, lấy việc dạy võ cho lớp trẻ ở làng làm nguồn vui sống. Môn sinh ưu tú đó ở lần thượng đài cuối cùng trong đời trước kẻ thù vẫn giữ võ đạo chân chính, lại tha cho Du. Vở diễn khép lại với vĩ thanh đầy nước mắt nhưng mở ra một thế hệ mới ở làng võ đầy hy vọng.
Ở “Chuyện tình làng võ”, những tình yêu, những vẻ đẹp riêng - chung cùng tồn tại, bổ trợ, làm đẹp cho nhau. Tình yêu lứa đôi của Điền và Tú càng ý nghĩa hơn khi biết hiến dâng tuổi thanh xuân cho đất nước. Chính hành động của Điền đã thức tỉnh Cường (con của Điền và Tú), gợi thông điệp về hòa hợp, xếp lại hận thù… Nội dung câu chuyện khá đơn giản theo mô-típ truyền thống, phạm vi đề tài nhỏ song chính nhờ dung chứa và mở ra những vấn đề lớn, giá trị vở diễn trở nên lớn hơn.
KHẢI THƯ