Từ một nỗi lo ở Canh Liên
Xã vùng cao Canh Liên, huyện Vân Canh có 717 hộ với 2.491 nhân khẩu, đa số là đồng bào Bana. Dù là xã miền núi cao, nhưng những năm gần đây, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ở Canh Liên có nhiều thay đổi tích cực. Nhưng một trong những “điểm trừ” của phát triển là nỗi lo văn hóa truyền thống Bana dần mai một.
Nghệ nhân Đinh Thành Nhanh cùng vợ bên cây đàn gon của gia đình.
Ông Đinh Thành Nhanh - một nghệ nhân ở Canh Liên tâm sự: “Ở xã mình, giờ chỉ còn lại khoảng 10 người biết chế tác, trình tấu các loại nhạc cụ bằng tre nứa. Mấy đứa thanh niên rất ít ham mê chơi những nhạc cụ của cha ông. Mình lo, khi những người già này mất đi, không còn ai biết hát múa chơi nhạc Bana nữa!”.
“Ðối với các loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào Bana, hiện nay chúng tôi chỉ mới giới thiệu cho các em nắm bắt phần cơ bản. Ðể làm được nhiều hơn, giáo viên phải được đào tạo, biết cách chế tác, trình tấu nhuần nhuyễn thì mới truyền dạy cho học sinh được. Học sinh được học từ nhỏ, khi lớn lên sẽ khác! Tôi mong các cấp chính quyền và ngành giáo dục có chủ trương và chính sách cụ thể về vấn đề giữ gìn văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số nói chung, âm nhạc nói riêng. Nên đưa vào giảng dạy trong nhà trường từ khi học sinh còn bé, các em mới hiểu được giá trị, hiểu thì mới thích và chịu giữ gìn”.
Cô giáo ÐINH THỊ BÉP - giáo viên ở điểm trường làng Chồm, xã Canh Liên
Cũng nỗi lo như vậy, nghệ nhân Đinh Bằng ở làng Canh Tiến, xã Canh Liên cho hay: Trước đây, ở các lễ hội như: lễ cầu mưa, cầu mùa, đám cưới, mừng lúa mới…bà con đều tổ chức đầy đủ các nghi thức. Lễ xong, đến phần hội, trai làng gái bản đánh cồng chiêng múa hát vui lắm! Giờ hiếm lắm!
Các lễ hội vẫn được tổ chức, phần lễ - các nghi thức vẫn được thực hiện. Nhưng sang phần hội, người làng phần nhiều đều thuê dàn nhạc điện tử đến phục vụ cho tiện. Ngày xưa lên nương rẫy, đi rừng, thanh niên Bana đều mang theo đàn gon, đàn tơ rưng, k’ní… để giải trí. Theo tìm hiểu của người viết, nay, họ mang theo điện thoại di động nghe nhạc trẻ, nhạc vũ trường và nhún nhảy theo đó làm vui.
Hằng năm, ở Canh Liên có tổ chức các cuộc thi giao lưu văn hóa cồng chiêng cho các làng, xây dựng mô hình dạy dệt thổ cẩm, đan lát cho bà con, lồng ghép các bài hát dân ca dân tộc vào chương trình lễ hội. Ngoài ra xã còn tổ chức các ngày hội văn hóa, phục dựng lại các nghi lễ truyền thống của đồng bào như lễ cúng lúa mới, lễ đỗ đầu, đám cưới truyền thống… Nhưng có lẽ như vậy thì chưa đủ. Nói về điều này, ông Đinh Văn Diễn - Chủ tịch UBND xã Canh Liên cho biết: “Xã cũng cố gắng lắm. Nhưng muốn làm nhiều hơn nữa thì phải cấp huyện, cấp tỉnh chứ xã thì không đủ sức đâu!
ÐÌNH DẶM