Lần đầu Việt Nam biên soạn Bách khoa toàn thư chuyên ngành du lịch
Hội thảo khoa học nghiên cứu, xây dựng cấu trúc vĩ mô, biên soạn mục từ điển bách khoa toàn thư chuyên ngành du lịch đã diễn ra ngày 25.1, tại Hà Nội, với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học.
Tại hội thảo, giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Văn Đính, Trưởng ban biên soạn quyển 35 Bách khoa toàn thư về du lịch, ẩm thực, thể dục thể thao, trang phục, cho biết đây là lần đầu tiên Việt Nam biên soạn bộ Bách khoa toàn thư nói chung và Bách khoa toàn thư về du lịch nói riêng.
Hàng trăm, thậm chí hàng ngàn nhà khoa học đã được mời tham gia biên soạn bộ sách này. Riêng Bách khoa toàn thư về du lịch, ẩm thực, thể dục thể thao, trang phục đã có gần 20 nhà khoa học trực tiếp tham gia, ngoài ra còn có sự tham gia của nhiều chuyên gia khác.
Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, Phó Trưởng ban biên soạn Bách khoa toàn thư chuyên ngành du lịch khẳng định, việc biên soạn Bách khoa này là rất cần thiết.
Tài liệu này sẽ góp phần chuẩn hóa tri thức cơ bản về ngành du lịch, trong đó có hội nhập với tri thức du lịch quốc tế, đảm bảo cho du lịch Việt Nam đủ điều kiện phát triển nhanh, bền vững; cung cấp công cụ nhận thức chuyên ngành du lịch cho đội ngũ lao động trong ngành du lịch, những người liên quan; phổ cập tri thức chuyên ngành du lịch cho cộng đồng dân cư, toàn xã hội…
Để chuẩn bị cho việc biên soạn Bách khoa toàn thư về du lịch, Ban biên soạn đã tham khảo kinh nghiệm xây dựng Bách khoa toàn thư du lịch cũng như thu thập các tài liệu có liên quan.
Với mục tiêu của Ban chỉ đạo đặt ra, cuốn Bách khoa toàn thư du lịch sẽ thuộc loại bách khoa toàn thư chuyên ngành, nhưng nội dung gồm cả bách khoa toàn thư chuyên đề và bách khoa toàn thư địa phương.
Giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Văn Đính cũng nêu rõ: Cho đến nay, ở Việt Nam chưa có công trình Bách khoa toàn thư về du lịch, nhưng những vấn đề nghiên cứu về du lịch, khá phong phú, nhất là từ năm 1986 đến nay; trong đó, nổi bật là cuốn sách hướng dẫn du lịch “Non nước Việt Nam” của tác giả Vũ Thế Bình. Đây là tài liệu tham khảo quý báu để biên soạn Bách khoa toàn thư về du lịch…
Theo đề án, chương trình biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam (gồm 37 quyển) sẽ thực hiện trong năm năm (2017-2021).
Năm 2017, các Ban biên soạn hoàn thành xây dựng đề cương quyển chuyên ngành, nội dung cơ bản của đề cương là cấu trúc vĩ mô, xây dựng bảng mục từ, biên soạn một số mục từ mẫu...
Cấu trúc vĩ mô của Bách khoa toàn thư chuyên ngành du lịch được thiết kế dựa theo cấu trúc của Luật Du lịch để đảm bảo không bỏ sót bất cứ hoạt động nào.
Bảng mục từ của Bách khoa toàn thư du lịch được xây dựng theo cấu trúc hoạt động của ngành sẽ tránh bỏ sót mục từ.
Hệ thống các mục từ được sắp xếp theo 4 chương: Những khái niệm cơ bản về du lịch (15 chuyên mục); tài nguyên và sản phẩm du lịch Việt Nam (13 chuyên mục); kinh doanh du lịch Việt Nam (16 chuyên mục); xúc tiến và quản lý du lịch (8 chuyên mục).
Trên cơ sở 52 chuyên mục trong bảng mục từ, Ban biên soạn đã dự thảo bảng mục từ Bách khoa toàn thư du lịch với 1.395 mục từ. Kèm theo bảng mục từ là năm phụ lục với 2.007 mục từ tham khảo…
Du lịch hiện nay là một ngành kinh tế hàng đầu của thế giới. Theo Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) năm 2016 đã có hơn 1,23 tỷ người đi du lịch; doanh thu xuất khẩu ngành du lịch đạt hơn 1.400 tỷ đồng, trở thành ngành kinh tế đứng thứ 3 thế giới, sau dầu khí, hóa chất.
Những năm qua ở Việt Nam, du lịch đã vươn lên trở thành một điểm sáng của kinh tế đất nước, được Đảng, Nhà nước quan tâm, đang từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Năm 2017, du lịch Việt Nam đón xấp xỉ 13 triệu lượt khách quốc tế, tăng gần 30% so với năm 2016; phục vụ hơn 73 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ du lịch ước đạt hơn 510.000 tỷ đồng, đóng góp quan trọng cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế của đất nước…
Theo THANH GIANG (TTXVN/vietnam+)