‘Nghe hiện vật kể về Đà Nẵng-Mậu Thân 1968’
Nhân kỷ niệm 50 năm cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 và với mong muốn để cho thế hệ trẻ hiểu hơn về những ngày lịch sử của dân tộc nói chung và Đà Nẵng, Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức chương trình “Nghe hiện vật kể” với chủ đề: Đà Nẵng- Mậu Thân 1968.
Tại buổi gặp mặt, các chứng nhân lịch sử trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã kể cho thế hệ trẻ nghe về những năm tháng lịch sử hào hùng mà họ đã trải qua.
Bác Huỳnh Ngọc Phi, khi đó là Trung đội trưởng Trung đội 1, Đại đội K36, xúc động cho biết mùa xuân năm 1968, quân và dân Đà Nẵng đã phát huy cao độ tinh thần yêu quê hương đất nước với phương châm đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào, với quyết tâm lớn nhất là Bắc - Nam sum họp một nhà.
Bộ Tư lệnh tiền phương nhận định muốn tiến công vào miền Nam thì phải qua Đà Nẵng. Nếu không giành thắng lợi được ở đây thì công cuộc giải phóng miền Trung- Tây Nguyên hết sức khó khăn. Do đó, phải tấn công và tiêu diệt địch ở Đà Nẵng.
Lúc ấy bác Huỳnh Ngọc Phi 22 tuổi được giao nhiệm vụ thành lập một trung đội đặc biệt, được huấn luyện gần 4 tháng để trực tiếp tiến đánh vào Sở chỉ huy Quân đoàn 1 của địch ở Đà Nẵng.
Quân đoàn 1 là một cơ quan quân sự lớn nhất miền Trung của địch, giữ quyền chỉ huy một địa bàn rộng lớn từ Bình Trị Thiên, Đà Nẵng, Quảng Ngãi đến Bình Định, Phú Yên. Đây là cơ quan quân sự đầu não của địch tại Đà Nẵng.
Bác Phi kể “dù điều kiện hành quân vô cùng khó khăn, nguy hiểm, nhưng bộ đội ở đâu cũng được nhân dân chở che, giúp đỡ. Gần đến thời điểm Giao thừa Tết Mậu Thân 1968, chúng tôi tiến đến gần mục tiêu và chờ lệnh nổ súng.
Đúng Giao thừa Tết Mậu Thân, pháo binh của ta đặt ở Hòa Vang bắt đầu bắn phá kho xăng, sân bay và các căn cứ của địch…. Cùng lúc đó nghe khẩu lệnh xung phong, chúng tôi tiến lên đánh chiếm Sở chỉ huy Quân đoàn 1, làm chủ khu vực này…". Cuộc tấn công và nổi dậy ở Đà Nẵng đã góp phần tạo ra một bước ngoặc lịch sử cho cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Câu chuyện của những cựu chiến binh từ cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã khơi dậy trong lòng thế hệ trẻ tình yêu nước, ý chí sức mạnh, lòng tự hào dân tộc.
Bạn Hồ Phương Uyên, sinh viên năm 1, Đại học Duy Tân cho biết đây là lần đầu tiên được nghe câu chuyện về lịch sử người thật việc thật.
Bạn Phan Nhật Minh, sinh viên Đại học Duy Tân noi: “Chúng em mới chỉ biết đến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 qua sách giáo khoa, tư liệu tham khảo, nhưng nay khi được nghe các cô, bác kể lại thì càng hiểu hơn những chiến công oanh liệt cũng như sự hy sinh to lớn của thế hệ cha ông”.
Nhiều bạn trẻ nói rằng qua câu chuyện của các nhân chứng lịch sử, tuổi trẻ hôm nay đã nhận thức rõ hơn để tự hào về tinh thần đấu tranh quật cường của thế hệ cha anh, về một giai đoạn lịch sử anh dũng kiên cường của dân tộc. Đó cũng là động lực để thế hệ trẻ nỗ lực học tập, rèn luyện, góp phần tiếp bước cha anh.
Theo Lưu Hương (Chinhphu.vn)