Cải cách thể chế kinh tế - Đòn bẩy cho tăng trưởng 2018?
CIEM dự báo tăng trưởng GDP năm 2018 khoảng 6,58%, thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra; các chuyên gia cho rằng, kết quả sẽ cao hơn nếu tiếp tục cải cách.
Không nên chạy theo thành tích "ảo"
Tại hội thảo về kinh tế Việt Nam 2017 và triển vọng 2018 do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 25/1 tại Hà Nội, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Ban Chính sách Kinh tế vĩ mô của CIEM đánh giá, năm 2017 là năm tương đối thành công của kinh tế Việt Nam, tăng trưởng kinh tế năm 2017 đạt 6,81%, cao hơn mức mục tiêu được đặt ra từ đầu năm.
Phân tích nguyên nhân tăng trưởng, chuyên gia của CIEM cho rằng, mức tăng trưởng năm 2017 không dựa nhiều vào các yếu tố mang tính “lượng” bởi phân ngành khai khoáng giảm 7,1%, trong khi tăng trưởng tín dụng không vượt so với các năm trước, đầu tư của khu vực nhà nước cũng không tăng đột biến…
Theo bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của CIEM, yếu tố thúc đẩy tăng trưởng chính là cải cách thể chế kinh tế.
Bà Thảo cho rằng, công cuộc cải cách này không phải chỉ từ đầu năm 2017, nhưng đây được xem là năm hành động quyết liệt, chú trọng tới các giải pháp về cải thiện môi trường kinh doanh.
Với việc cắt giảm các thủ tục, chi phí chính sách không cần thiết cũng giúp tăng giá trị gia tăng cho doanh nghiệp. Theo đánh giá của CIEM, chất lượng văn bản quy phạm pháp luật hướng tới phát triển khu vực tư nhân tăng 1% thì tốc độ tăng TFP (năng suất các nhân tố tổng hợp) được cải thiện 1,41 điểm phần trăm.
Bên cạnh đó, tăng trưởng xuất khẩu, chất lượng tín dụng cũng đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế trong năm qua.
Tuy nhiên, các chuyên gia của CIEM cũng chỉ một số hạn chế, trong đó có việc tăng trưởng xuất khẩu vẫn phụ thuộc lớn vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), và chủ yếu đến từ 3 ngành mũi nhọn là điện thoại và linh kiện; máy tính và linh kiện; máy móc thiết bị khác.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cảnh báo, xuất siêu hiện vẫn nằm trong tay các doanh nghiệp FDI nên đừng mừng rỡ quá mà nên đánh giá theo chiều sâu, không nên chạy theo thành tích "ảo".
Bà Lan cũng cho rằng, các cơ chế, chính sách cần có sự chia sẻ với doanh nghiệp vì hiện tượng doanh nghiệp phá sản, giải thể vẫn còn cao.
Giảm chi phí không chính thức cho doanh nghiệp
Từ kết quả tăng trưởng 2017, CIEM dự báo, triển vọng tăng trưởng năm 2018 là 6,58%; lạm phát 3,74%; tăng trưởng xuất khẩu 9,4%; cán cân thương mại thặng dư 1,1 tỷ USD.
CIEM cũng chỉ ra một loạt khó khăn, thách thức của năm 2018, đó là ngân sách nhà nước vẫn chưa đủ gây áp lực để tăng cường kỷ luật tài khóa, nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) có thể khiến các doanh nghiệp Việt Nam gặp khó trong cạnh tranh với các “đối thủ” nước ngoài,…
TS. Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng CIEM nêu thực tế: Nhiều doanh nghiệp than chi phí không chính thức mà họ phải bỏ ra không những không giảm mà còn có dấu hiệu tăng lên. Cùng với đó, tiến trình cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu đầu tư công còn nhiều hạn chế.
Năm 2018 được đánh giá là năm “bước ngoặt” của Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế. Đây là cơ hội, song cũng là thách thức rất lớn đối với Việt Nam. Để đạt được mức tăng trưởng cao và bền vững hơn trong năm 2018, TS Lê Đăng Doanh cho rằng, Việt Nam cần tích cực hơn nữa trong cải thiện môi trường kinh doanh, giảm chi phí không chính thức cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, cần thúc đẩy nền kinh tế thị trường và khuyến khích doanh nghiệp tăng cường đầu tư cho khoa học công nghệ, tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, TS. Doanh lưu ý.
Trưởng ban Ban Chính sách Kinh tế vĩ mô của CIEM Nguyễn Anh Dương nêu quan điểm: Vấn đề quan trọng nhất của Việt Nam trong năm 2018 là ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục cải cách thể chế kinh tế, thực hiện hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời ứng phó kịp thời vời các cú sốc bất lợi…
Theo Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung, trong các chỉ số về cải thiện môi trường kinh doanh, có lẽ chỉ số khó nhất thuộc về lĩnh vực tư pháp vì “cửa rất hẹp”.
TS. Cung nhấn mạnh, tư pháp phải mạnh, phải độc lập thì mới nhìn thấy “bóng dáng” của kinh tế thị trường hiện đại.
Một số điểm nổi bật trong bức tranh kinh tế Việt Nam măm 2017:
Khu vực công nghiệp - xây dựng đạt tốc độ tăng trưởng nhanh nhất với 7,85%
Khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản đạt mức tăng 2,9%
Khu vực dịch vụ tăng trưởng đạt 7,4%
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2017 đạt 3,53%, thấp hơn mục tiêu kế hoạch đề ra là 4%
Tín dụng tăng trưởng đạt 18,17% và có sự ổn định
Thu hút FDI năm 2017 của Việt Nam đạt gần 36 tỷ USD./.
Theo Trần Ngọc (VOV.VN)