“Say nắng” chốn công sở
Chốn công sở là nơi dễ gặp những cảm xúc đẹp đẽ khi tình đồng nghiệp được thăng hoa, đó là sự cảm thông, chia sẻ với nhau trong công việc và cuộc sống. Tuy nhiên, nơi ấy cũng có lắm cám dỗ. Nhiều người đã bước vào những mối tình vụng trộm và phải đánh đổi bằng sự rạn nứt, thậm chí là tan vỡ hạnh phúc gia đình.
Những người đã lập gia đình rồi thường nghĩ rằng, mình chỉ “say nắng” với người nào đó ở cơ quan là việc không có gì nghiêm trọng, bởi chỉ gặp gỡ nhau để an ủi, chia sẻ, tâm sự với người muốn lắng nghe mình, chứ không hề đi xa hơn. Nhưng có thể “đối tác” của họ không như vậy, bởi ý muốn chinh phục, khám phá, bởi ý nghĩ “đã được phép đi đến B, C thì nhất định phải đi đến Z luôn”. Và một khi hai bên đã có tình cảm với nhau thì chuyện vượt quá giới hạn là điều khó tránh khỏi.
Đó là trường hợp của chị T.N. (phường Nguyễn Văn Cừ, TP Quy Nhơn). Chồng chị là kỹ sư xây dựng nên hay đi công trình xa nhà. Đứa con trai 4 tuổi đã được ông bà ngoại chăm sóc chu đáo. Rảnh rang, có thời gian chăm sóc vẻ bề ngoài, cộng với sự khéo léo trong giao tiếp đã khiến T.N. chiếm được cảm tình của đồng nghiệp, nhất là anh trưởng phòng ngoài 40 tuổi đã có vợ và hai con. Sau những buổi làm việc về trễ, anh hay rủ T.N. đi ăn trưa, sau đó lại đi uống nước. Hai anh em càng nói chuyện càng thấy hợp nhau. Rồi những chỉ bảo tận tình trong công việc, những tin nhắn khích lệ, sẻ chia đã cuốn T.N. và “sếp” của mình theo dòng cảm xúc mới, mặc dù cả hai đều biết, không ai trong họ có thể bỏ được gia đình mình.
Còn anh bạn thân của tôi, một người thành đạt, thú nhận rằng mình trải qua 2 mối tình công sở. Mối tình đầu tiên là với một đồng nghiệp, cũng từ việc chia sẻ nỗi buồn chán cuộc sống trong hôn nhân của cô và giúp đỡ trong công việc. Cho đến khi “lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”, hai người trở nên say mê nhau điên đảo. Đến khi tiếng đồn lan khắp nơi, gia đình cô đồng nghiệp có dấu hiệu rạn nứt và cô cũng thức tỉnh khỏi cơn mê nên chủ động đề nghị chấm dứt và xin chuyển công tác. Mối tình thứ hai của bạn đến sau đó không lâu, đó là phụ nữ hơn bạn 1 tuổi, làm ở một công ty đối tác. Chỉ qua vài lần trao đổi công việc, với “kinh nghiệm” của mình, anh bạn tôi rất nhanh chóng phát tín hiệu và nhận được phản hồi. Thế là họ lại cuốn vào vòng xoáy ấy với quan điểm chỉ “vui vẻ”, không ai làm ảnh hưởng đến gia đình, công việc của ai.
Cả hai câu chuyện trên đều là những chuyện dễ gặp ở công sở trong cuộc sống hiện đại. Không ít người nghĩ đơn giản rằng, khi họ vẫn có trách nhiệm với gia đình thì mối quan hệ công sở này chẳng ảnh hưởng gì đến gia đình mà còn giúp họ thấy hạnh phúc hơn, yêu đời hơn và làm việc tốt hơn. Họ không đòi hỏi một kết thúc “có hậu” là hôn nhân. T.N. cũng như anh bạn thân của tôi chẳng ai đặt cho mình “mục tiêu” là cướp chồng hoặc vợ của người khác. Bởi lý do mà nhiều người đưa ra là vợ (chồng) quá bận rộn, hoặc chênh lệch nhận thức, nên không quan tâm đầy đủ đến nhau, trong khi đời sống ngày càng ổn định về vật chất nhưng lại phức tạp về tinh thần, nhu cầu được chia sẻ cao hơn. Đa số họ cũng nhận thức được một điều rằng, cuộc chơi thật mạo hiểm, nhưng có phải ai cũng đủ bản lĩnh vượt qua cám dỗ của những đam mê?
Theo Tiến sĩ tâm lý Huỳnh Văn Sơn (Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh) thì thông thường, sau 5- 10 năm chung sống, tình yêu lãng mạn trong hôn nhân sẽ lặng lẽ ra đi nhường chỗ cho tình cảm vợ chồng bình lặng. Nếu không biết cách phá tan những khoảng lặng đáng sợ ấy, người ta dễ trải lòng mình với những tình yêu khác mãnh liệt hơn dù đôi khi chỉ thoáng qua. Ngay cả với những người giữ mình nhất cũng có thể có cái gọi là “ngoại tình trong tâm tưởng”.
Đứng trước một “cơ hội” để bước vào ngoại tình ở chốn công sở, có những người đấu tranh tư tưởng quyết liệt và kịp dừng lại, nhưng cũng có những người dễ dàng bước qua, lại có những kẻ trở thành “con nghiện” của tình công sở. Dù là lý do gì thì ngoại tình công sở cũng không dễ nhận được sự đồng tình từ dư luận, và những lý do đó, tất cả cũng chỉ là “ngụy biện”. Mỗi người hãy biết cách bảo vệ hạnh phúc của mình trước những cám dỗ đó.
HỒNG PHÚC