Công tác phát triển đảng viên: Tìm hướng gỡ khó
Nhiều địa phương không đạt chỉ tiêu phát triển đảng viên, nguồn kết nạp ngày càng “cạn”, lượng đảng viên bị xóa tên có chiều hướng tăng… là những vấn đề đặt ra trong công tác phát triển đảng viên, đòi hỏi phải sớm có giải pháp khắc phục.
Năm 2017, toàn Đảng bộ tỉnh kết nạp mới 2.936 đảng viên. Các đảng bộ kết nạp đảng viên đạt chỉ tiêu trên 5% so với tổng số đảng viên là: Cảnh sát PC&CC (22,1%), Trường ĐH Quy Nhơn (21,3%), Khối Các cơ quan tỉnh (7,8%), Công an tỉnh (6%), Vĩnh Thạnh (5%).
Nhiều nỗi lo
Phải thừa nhận một thực tế, vì áp lực chỉ tiêu, ở không ít tổ chức cơ sở đảng có hiện tượng kết nạp đảng có phần dễ dãi. Với các tổ chức cơ sở đảng không đạt chỉ tiêu, tình trạng phổ biến là nguồn kết nạp ngày càng khó khăn. Các đảng bộ xã ở huyện Hoài Nhơn đều cùng có chung mối lo này. Lao động trẻ mưu sinh khắp nơi; số bám trụ tại địa phương phần lớn làm công nhân may, công nhân gỗ, không tham gia sinh hoạt ở các hội, đoàn thể cơ sở nên không thể tạo nguồn được.
“Phát triển khó khăn, nhưng sau kết nạp có nhiều đảng viên trẻ đi làm việc ở xa, phổ biến là vào TP Hồ Chí Minh. Sinh hoạt đảng ngắt quãng, nhiều trường hợp không đảm bảo chế độ sinh hoạt theo quy định nên phải xóa tên”, Bí thư Đảng ủy xã Hoài Thanh Tây Nguyễn Văn Tiến cho hay.
“Phát triển đảng viên bảo đảm chất lượng theo yêu cầu của Ðiều lệ Ðảng, chống khuynh hướng chạy theo số lượng đơn thuần, bảo đảm chặt chẽ về nguyên tắc, đồng thời không định kiến hẹp hòi. Các cấp ủy, tổ chức đảng cần thực hiện tốt quy định của Trung ương về tiêu chuẩn, điều kiện, nguyên tắc, quy trình, hồ sơ, thủ tục kết nạp đảng viên và công nhận đảng viên chính thức”.
Trích Chỉ thị số 28-CT/TU ngày 6.12.2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đổi mới, tăng cường công tác kết nạp đảng viên
Năm 2017, Đảng bộ huyện Hoài Nhơn kết nạp được 300 đảng viên mới, chỉ đạt 4% tổng số đảng viên. Đáng lo ngại là có đến 32 đảng viên bị xóa tên, tăng 8 trường hợp so với năm 2016; chủ yếu thuộc đối tượng bộ đội xuất ngũ về địa phương bỏ sinh hoạt. “Việc tạo nguồn kết nạp đảng hiện nay ở thôn, khối phố rất khó khăn, khó đảm bảo giữa chỉ tiêu về số lượng và chất lượng đảng viên được kết nạp. Cùng với đó, tình trạng đảng viên trẻ bỏ sinh hoạt phải xóa tên khỏi danh sách đảng viên, nhất là đảng viên bộ đội xuất ngũ, có xu hướng tăng”, Bí thư Huyện ủy Hoài Nhơn Phạm Trương nói.
Đây không phải là tình trạng cá biệt. Tại Đảng bộ huyện Vĩnh Thạnh, trong năm qua cũng có 5 đảng viên bị xóa tên. Theo Bí thư Huyện ủy Hồ Xuân Ánh, nguyên nhân không gì khác là ở địa phương không có việc làm, đảng viên phải bỏ đi làm ăn xa.
Thành lập tổ đảng trên biển: tại sao không?
Lượng đảng viên mới kết nạp chưa tương xứng với nguồn quần chúng ưu tú. Nhiều chi bộ chưa xây dựng kế hoạch nguồn kết nạp đảng viên; việc xem xét, ra nghị quyết lựa chọn quần chúng ưu tú vào danh sách cảm tình Đảng chưa trở thành nội dung thường xuyên trong sinh hoạt chi bộ… Trước những hạn chế, tồn tại đó, ngày 6.12.2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 28-CT/TU về tiếp tục đổi mới, tăng cường công tác kết nạp đảng viên. Chỉ thị đặt ra nhiệm vụ tăng cường công tác quản lý đảng viên của đảng bộ nói chung, trong đó có quản lý đảng viên dự bị là quân nhân dự bị, sinh viên tốt nghiệp ra trường, công nhân… Thực hiện miễn công tác và sinh hoạt đảng theo Hướng dẫn số 09-HD/BTCTW ngày 5.6.2017 của Ban Tổ chức Trung ương về nghiệp vụ đảng viên, hạn chế xóa tên đảng viên dự bị vì bỏ sinh hoạt đảng do đi làm ăn xa nơi cư trú, không thể tham gia sinh hoạt đảng.
Bên cạnh đó, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác phát triển đảng viên, nhất là ở nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các xã ven biển, tôn giáo, các DN tư nhân, DN có vốn đầu tư nước ngoài. Quan tâm phát triển đảng viên là đoàn viên, nữ, trí thức, công nhân, dân quân tự vệ, quân nhân dự bị, chủ DN và sinh viên, học sinh.
Đặc biệt, một đối tượng nhận được nhiều sự quan tâm là dân quân biển, với gợi ý được đưa ra là vận dụng Hướng dẫn số 01-HD/TW ngày 20.9.2016 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về một số vấn đề cụ thể thi hành Điều lệ Đảng. Theo đó, trình độ học vấn của người vào Đảng là ngư dân thường xuyên làm việc ngoài biển, đảo tối thiểu phải biết đọc, viết chữ quốc ngữ và được ban thường vụ cấp ủy trực thuộc Trung ương đồng ý bằng văn bản trước khi cấp ủy có thẩm quyền ra quyết định kết nạp.
Đây là vấn đề quan trọng đối với nhiều tổ chức đảng ở các địa phương có lực lượng ngư dân lớn. Hàng ngày, huyện Hoài Nhơn có 400 tàu/3.500 lao động có mặt ở khu vực biển Trường Sa, Hoàng Sa, nhà giàn DK1, là những “cột mốc sống” chứng minh chủ quyền của Việt Nam trên biển. Toàn huyện có 14.200 ngư dân lao động trên biển, rất khó khăn để kết nạp, sinh hoạt đảng. Vì thế, Bí thư Huyện ủy Hoài Nhơn Phạm Trương đề xuất thành lập tổ đảng trong các tổ đoàn kết trên biển.
“Mỗi tổ đoàn kết có 3 - 7 tàu, với hơn 20 lao động, trong đó có 2 - 3 dân quân biển - nguồn kết nạp chủ yếu. Không chỉ sinh hoạt thuận lợi trước đặc thù hành nghề xa bờ, tổ đảng trên biển còn đóng vai trò quan trọng trong hạn chế, tiến đến xóa hẳn tình trạng xâm phạm lãnh hải nước ngoài, bởi đảng viên thì phải gương mẫu, không thể vi phạm được. Đề nghị Trung ương và tỉnh quan tâm để sớm triển khai”, ông Trương phân tích và đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc.
NGUYỄN VĂN TRANG