Thị trường hàng hóa phục vụ Tết:
Giá biến động nhẹ, sức mua chưa cao
Thị trường hàng hóa phục vụ Tết bắt đầu “vào guồng”. Tuy vậy, theo các cơ sở sản xuất, kinh doanh, trước giữa tháng Chạp thì sức mua chưa cao.
Hàng Việt chiếm ưu thế
Công ty CP Nước khoáng Quy Nhơn sản xuất hàng tết từ đầu tháng 11 âm lịch, muộn hơn so với mọi năm; ngoài nâng chất lượng sản phẩm, còn chú trọng mẫu mã với loại lon cao 330ml. “Kế hoạch sản lượng năm nay tăng hơn 10%, hiện chúng tôi huy động công nhân làm hơn 2 ca/ngày. Sức tiêu thụ phải qua rằm tháng Chạp mới tăng nhanh, còn giờ vẫn chậm”, ông Nguyễn Văn Thịnh, Giám đốc Công ty, cho biết.
Theo ông Thái Lương Hùng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Sài Gòn Co.op Bình Định, thời điểm này, sức mua vẫn chưa cao so với cùng kỳ, phần vì năm nay Tết đến trễ hơn; phần vì thông tin về lương, thưởng Tết cho người lao động chậm hơn. “Từ giữa tháng Chạp, sức mua sẽ tăng mạnh lên”, ông Hùng nói.
Đến thời điểm này, các nhóm hàng hóa, sản phẩm phục vụ Tết được người tiêu dùng lựa chọn mua nhiều nhất là hàng thời trang may mặc, hàng may mặc tổng hợp, đồ dùng gia đình, thực phẩm đóng gói. Hầu hết các mặt hàng này đều từ các nhà sản xuất lớn trong nước như: Việt Tiến, Khatoco, Nhà Bè, Thắng Lợi, Kinh Đô, Sunhouse…
Khoảng 1.591 tỉ đồng dự trữ hàng hóa phục vụ Tết
“Tổng giá trị hàng hóa dự trữ phục vụ dịp Tết Nguyên đán 2018 ước khoảng 1.591 tỉ đồng, tăng 11% so năm ngoái. Dự báo, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ trên địa bàn tỉnh tăng 15 - 20%, riêng mặt hàng thực phẩm tươi sống, chế biến và các loại rau - củ - quả có thể tăng 25 - 30%. Ngoài DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong tỉnh, đặc biệt chú trọng khai thác nguồn cung các tỉnh, thành đối với mặt hàng bánh mứt, nước giải khát, thực phẩm chế biến, rau - củ - quả”.
Giám đốc Sở Công Thương Man Ngọc Lý
So với mọi năm, tỉ trọng hàng trong nước vẫn giữ vững ở mức 90 - 92% trong tổng số hàng hóa phục vụ Tết. Hàng hóa sản xuất trong nước năm nay có nhiều cải tiến về mẫu mã, chất lượng (như bánh mứt, nước giải khát được giảm độ ngọt, tăng hương vị tự nhiên…). Hàng ngoại nhập chủ yếu là nhóm rượu, mứt, trái cây…, đặc biệt bánh kẹo Tết có sự cạnh tranh gay gắt giữa hàng hóa trong nước và hàng nhập khẩu.
Theo Phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương), đến thời điểm này, tất cả mặt hàng cần thiết cho dịp Tết đều đã được các DN, siêu thị, nhà phân phối và cả người bán lẻ tung ra thị trường, với hơn 90% là hàng Việt.
Không để khan hàng
Ngay từ cuối tháng 11.2017, 2 siêu thị Co.opmart và cửa hàng Co.opFood ở Bình Định dự trữ hơn 70 tỉ đồng hàng hóa thiết yếu để phục vụ nhu cầu mua sắm của khách hàng, góp phần hạn chế biến động giá, gây khó khăn cho người dân, đặc biệt là thành phần lao động có thu nhập thấp, nhận lương thưởng muộn. Các nhóm hàng dự trữ UBND tỉnh giao bình ổn giá là: lương thực, dầu ăn, bánh tết, thịt gia súc gia cầm, lạp xưởng, rau - củ - quả… Ngoài ra, siêu thị còn chủ động dự trữ các mặt hàng dễ có biến động tăng giá do khan hàng cận Tết như bia, rượu, nước giải khát.
Đến nay, sau 2 lần tăng giá xăng dầu và tăng giá điện vào đầu năm 2018 thì một số nhà sản xuất cũng đã đề nghị tăng giá. Tuy nhiên, hệ thống các siêu thị vẫn giữ nguyên giá bán ra, ngoài ra còn tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi giảm giá một số hàng hóa thiết yếu để tạo điều kiện cho khách hàng.
Hầu hết DN, nhà phân phối, siêu thị, chợ… đều căn cứ vào kết quả bán hàng tết năm trước, dự báo mức tiêu dùng để xây dựng kế hoạch trữ hàng tết, thường là tăng gấp 2 - 3 lần các tháng trong năm.
Không chỉ ở các siêu thị đang tấp nập chuẩn bị hàng tết, mà tại các chợ truyền thống, các mặt hàng đồ khô, bánh kẹo, mứt... cũng đã được các chủ quầy, sạp chuẩn bị hàng từ vài tháng trước để đảm bảo nguồn cung.
Ông Trần Phúc Danh - Trưởng Ban quản lý chợ Đầm Quy Nhơn, cho hay, với kênh phân phối truyền thống, ban quản lý chợ đã chủ động xây dựng kế hoạch phục vụ Tết, tạo điều kiện để các hộ kinh doanh đảm bảo đầy đủ hàng hóa đáp ứng nhu cầu mua sắm.
Chị Nguyễn Diệu Thảo - chủ một cửa hàng đồ khô tại chợ Lớn Quy Nhơn cho biết, ngay từ đầu tháng 11 đã chốt và đặt các mặt hàng đồ khô, hải sản khô phục vụ Tết. Việc chuẩn bị hàng từ sớm giúp giữ được giá, hoặc dù có tăng hơn so với ngày thường nhưng chỉ tăng khoảng 5-15%. “Tâm lý khách hàng sẵn sàng trả tiền nhiều hơn để mua sản phẩm đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo vệ sinh an toàn”, chị Thảo cho hay.
MAI HOÀNG