Nâng cao chất lượng xét xử án
Nâng cao chất lượng xét xử các vụ án là yêu cầu đặt ra trong lộ trình thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” của Bộ Chính trị. Thời gian qua, TAND hai cấp trong tỉnh đã nỗ lực không ngừng nhằm nâng cao chất lượng xét xử, đảm bảo quyền con người.
Năm 2017, TAND hai cấp giải quyết, xét xử 5.457 vụ việc các loại, đạt tỉ lệ 90%. Đáng chú ý, số vụ án xét xử bị hủy do lỗi chủ quan của thẩm phán chỉ chiếm 0,8%.
Không để oan sai, lọt tội
Thời gian qua, TAND hai cấp đã tập trung thực hiện hiệu quả các giải pháp mang tính đột phá của ngành. Trọng tâm là, trong quá trình xét xử, TAND hai cấp chú trọng và đề cao việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Đơn cử như việc xử phạt tù nhưng cho bị cáo hưởng án treo tiếp tục được hội đồng xét xử (HĐXX) cân nhắc, xem xét kỹ lưỡng; các phiên tòa tổ chức xét xử theo tinh thần cải cách tư pháp, đúng trình tự, thủ tục tố tụng. Trong quá trình giải quyết án, ngành chủ động phối hợp với các cơ quan tố tụng cùng thảo luận, đặc biệt là với các vụ án lớn. Qua những buổi làm việc này, các bên đã trao đổi, xem xét, nhằm bảo đảm giải quyết tốt vụ án, tránh tình trạng trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung nhiều lần giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, dẫn đến kéo dài thời gian giải quyết vụ án.
Năm 2017, TAND hai cấp đã tổ chức 46 phiên tòa xét xử lưu động, 34 phiên tòa rút kinh nghiệm, tổ chức phiên tòa tranh tụng 214 vụ. Trong tổng số 1.101 bị cáo bị đưa ra xét xử, có 781 bị cáo bị phạt tù có thời hạn, 201 bị cáo bị phạt tù nhưng cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ 27 bị cáo và hình phạt khác là 92 bị cáo.
Cụ thể, trong năm 2017, nhiều vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng, điển hình, các vụ án được dư luận quan tâm, đã được TAND hai cấp khẩn trương nghiên cứu hồ sơ, đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh, đáp ứng yêu cầu chính trị của địa phương. Điển hình như vụ Tạ Tấn Lộc cùng các bị cáo hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân và tuyên truyền chống phá nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; hay vụ Nguyễn Thị Mai phạm tội mua bán người; Châu Thị Hồng Loan cùng đồng bọn phạm tội mua bán trái phép chất ma túy… Với những vụ án này, hình phạt mà TAND hai cấp tuyên đối với các bị cáo về cơ bản bảo đảm nghiêm minh, đúng quy định; tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo; đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình hiện nay.
Chánh án TAND tỉnh Đặng Công Lý cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng tranh tụng tại tòa. Bởi đây là tiền đề và cũng là giải pháp mang tính đột phá nhằm nâng cao chất lượng bản án; đồng thời đảm bảo tính công khai, minh bạch, dân chủ trong hoạt động xét xử”.
Khắc phục thiếu sót, phát huy thế mạnh
Tuy nhiên, Chánh án TAND tỉnh Đặng Công Lý cũng thẳng thắn nhìn nhận: Trong công tác xét xử các loại án, vẫn còn trường hợp đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, vai trò của bị cáo chưa tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội; một số vụ án còn có mâu thuẫn trong các tài liệu, chứng cứ của vụ án, chưa được làm rõ. Đối với công tác giải quyết các vụ án dân sự, một số trường hợp xác định thiếu người tham gia tố tụng; đánh giá chứng cứ còn thiếu khách quan dẫn đến tỉ lệ các bản án, quyết định bị hủy do lỗi chủ quan của thẩm phán vẫn còn.
Phán quyết của HĐXX dựa trên chứng cứ, tài liệu được cung cấp, căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa nhằm bảo đảm bản án tuyên khách quan, toàn diện, đúng pháp luật, có tính thuyết phục cao. Do đó, bên cạnh đảm bảo yêu cầu xử đúng người, đúng tội, TAND hai cấp trong tỉnh còn tăng cường đưa các vụ án ra xét xử lưu động tại các địa phương, nơi xảy ra vụ án hoặc các địa bàn trọng điểm.
Ông Đặng Công Lý cho biết, trong thời gian tới, TAND tỉnh đã đề ra một số giải pháp cơ bản, mang tính đột phá. Trong đó, tiếp tục đổi mới thủ tục tranh tụng tại phiên tòa theo hướng thực chất, đảm bảo dân chủ, công khai, đúng quy định của pháp luật. “Chúng tôi sẽ tập trung làm tốt công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ thẩm phán, hội thẩm nhân dân; làm tốt khâu xác minh, thu thập chứng cứ, kiên trì hòa giải trong các vụ án dân sự; nâng cao tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh nghề nghiệp của thẩm phán nhằm hạn chế tối đa tình trạng án quá hạn luật định, án bị hủy do lỗi chủ quan của thẩm phán”, ông Đặng Công Lý nói.
KIỀU ANH