Từ tranh chấp đất trở thành tội phạm
TAND huyện Hoài Ân vừa mở phiên tòa xét xử 12 bị cáo về tội hủy hoại tài sản, trong đó có 10 người là nữ. Đa số bị cáo có trình độ học vấn ở bậc tiểu học, thậm chí có 4 người không đọc được chữ; người nhiều tuổi nhất là 64 tuổi, nhỏ nhất 41 tuổi; có 3 bị cáo là anh chị em ruột, 2 bị cáo là vợ chồng. Tất cả đều là nông dân ở cùng thôn.
Hành vi của các bị cáo được các cơ quan tiến hành tố tụng xác định là chặt phá, nhổ cây keo trên đất trồng rừng của một người ở cùng thôn. Tổng giá trị thiệt hại theo Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện (HĐĐG) xác định là gần 37 triệu đồng. Tất cả các bị cáo trong vụ án đều được Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh tham gia bào chữa miễn phí. Mặc dù được tại ngoại, nhưng trông các bị cáo đều bơ phờ, hốc hác bởi phải chờ đợi quá lâu để nghe tòa phán quyết số phận pháp lý của mình.
Vụ án được xét xử sau 2 lần hoãn với cùng một lý do: những người bào chữa không chấp nhận giá trị thiệt hại tài sản mà HĐĐG đã kết luận. Lần xét xử này, Tòa đã mời thêm các thành viên của HĐĐG để làm rõ giá trị thiệt hại về tài sản của vụ án. 2 trong số 3 thành viên của HĐĐG có mặt tại tòa đều khẳng định: HĐĐG căn cứ vào quyết định của UBND tỉnh “về việc ban hành đơn giá bồi thường thiệt hại về cây cối hoa màu khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh”, để tính toán giá trị thiệt hại của vụ án là hoàn toàn đúng quy định của pháp luật. Theo đó, giá cây keo con mới trồng là 6.000 đồng/cây; cây keo 1 năm tuổi là 9.000 đồng/cây.
Những người bào chữa đều khẳng định, văn bản này chỉ điều chỉnh đối tượng bị thiệt hại tài sản là cây cối hoa màu khi nhà nước thu hồi đất. Không thể vận dụng tùy tiện trong việc định giá tài sản bị hư hại trong vụ án hình sự. Việc định giá tài sản trong vụ án hình sự phải bảo đảm nguyên tắc: “phù hợp với giá thị trường tại thời điểm và nơi tài sản bị xâm phạm; phải đảm bảo sự trung thực, khách quan, công khai và kịp thời”. Trong khi đó, người bị hại mua cây keo giống, công vận chuyển, công thuê trồng đều diễn ra công khai, có nhiều người cùng biết. Bằng những phép toán đơn giản cũng có thể xác định được giá trị thiệt hại thực tế tại thời điểm vụ án xảy ra. Do vậy, việc áp giá văn bản này để tính toán vừa không đúng, vừa bất lợi cho các bị cáo. Tuy nhiên, tòa vẫn tuyên án.
Phiên tòa khép lại với bản án được tuyên tổng cộng 37 tháng tù cho 6 bị cáo; 12 tháng tù cho hưởng án treo đối với 2 bị cáo; 4 bị cáo chịu hình phạt cải tạo không giam giữ. Các bị cáo phải liên đới bồi thường thiệt hại gần 37 triệu đồng cho người bị hại. Nghe xong bản án, nhiều người đã khóc, kể cả những người dự khán. Những trợ giúp viên pháp lý, người bào chữa cho các bị cáo đã gặp gỡ, chia sẻ và động viên họ, còn một cơ hội để hy vọng ở phiên tòa phúc thẩm nếu họ kháng cáo.
Vụ án xảy ra xuất phát từ vụ việc tranh chấp đất đai vào tháng 11.2014 của nhiều người dân ở trong thôn. Họ khiếu nại đòi lại 5 ha đất rừng mà một người ở cùng thôn đang sử dụng để trồng rừng, với lý do diện tích đất này trước năm 1993 họ đã khai phá, sử dụng. UBND xã tổ chức hòa giải nhưng không thành, song lại chưa có hướng giải quyết dứt điểm.
Nếu hiểu biết pháp luật về đất đai thì thủ tục hòa giải tranh chấp đất tại UBND cấp xã chưa phải là kết thúc, người khiếu nại có quyền yêu cầu các cơ quan khác có thẩm quyền giải quyết nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
HỒNG CẨM