“Khởi động” đào tạo nghề trình độ quốc tế
Sau khi được chứng nhận đạt chuẩn kiểm định theo tiêu chuẩn chất lượng của Australia, những ngày cuối tháng 1.2018, Trường CÐ Kỹ thuật công nghệ Quy Nhơn và Trường CÐ Cơ điện - Xây dựng và Nông lâm Trung Bộ chính thức triển khai đào tạo các lớp nghề cao đẳng trình độ quốc tế.
Các giảng viên Trường CĐ Kỹ thuật công nghệ Quy Nhơn trong một tiết học của Chứng chỉ đào tạo và đánh giá IV tại Australia. Ảnh: NVCC
“Chạy đà” với tiếng Anh
Trình độ tiếng Anh phải đạt chuẩn B1 (theo khung tham chiếu châu Âu) trước khi bước vào học chuyên ngành và đạt B2 ở thời điểm tốt nghiệp là yêu cầu đối với những sinh viên tham gia các lớp thí điểm trình độ quốc tế tại 2 trường. Đây là một thách thức đối với các trường nghề.
Do trình độ tiếng Anh của sinh viên không đồng đều, thời gian bồi dưỡng tiếng Anh nhằm đạt chuẩn đã phải tăng từ 6 tháng theo dự kiến lên 1 năm. Đến thời điểm hiện tại, 100% sinh viên lớp CĐ quốc tế của 2 trường đã đạt chuẩn B1. Trong đó, có 1 sinh viên của Trường CĐ Kỹ thuật công nghệ Quy Nhơn đạt chuẩn B2.
Nhớ lại quãng thời gian bồi dưỡng tiếng Anh để đạt B1, anh Nguyễn Đình Thạch (30 tuổi, sinh viên lớp công nghệ sinh học trình độ quốc tế Trường CĐ Cơ điện - Xây dựng và Nông lâm Trung Bộ) vẫn cảm thấy khá vất vả. “Tôi đăng ký học nghề sau một thời gian đi làm, ở thời điểm mà nhiều người đã ổn định sự nghiệp và yên bề gia thất. Ở tuổi này, khả năng học tập và ghi nhớ có phần chậm hơn so với các bạn vừa tốt nghiệp THPT. Nhờ vào sự hỗ trợ của thầy cô và các bạn, tôi đã kịp đạt chuẩn trước khi bắt đầu vào học chuyên ngành. Thời điểm hiện tại, tôi vẫn đang bám sát chương trình tiếng Anh chuyên ngành của trường để phát triển hơn nữa kỹ năng ngôn ngữ, đảm bảo yêu cầu của khóa học”, anh Thạch trao đổi.
Là một trong 7 sinh viên lớp công nghệ sinh học của Trường CĐ Cơ điện - Xây dựng và Nông lâm Trung Bộ đạt trình độ B1 trong 6 tháng đầu tiên, sinh viên Cao Chung Thúy Linh (21 tuổi) chia sẻ: “Trước khi đăng ký nộp học tại trường, tôi có một thời gian dài học ngoại ngữ nên có phần thuận lợi hơn so với các bạn khác trong giai đoạn đạt chuẩn trình độ tiếng Anh. Tuy nhiên, về nền tảng hóa - sinh, tôi tự thấy mình chưa chắc như các bạn nên đang phấn đấu nâng cao kiến thức chuyên môn”.
Theo ông Phạm Văn Tường, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật công nghệ Quy Nhơn, tiếng Anh đạt chuẩn là cơ sở để các sinh viên lớp nghề quốc tế có thể tiếp cận các tài liệu học tập gốc từ bộ chương trình chuyển giao của Australia và tham khảo thêm các tài liệu khoa học liên quan đến nghề khác trên mạng. Ngoài ra, vì sẽ có đến 2 bằng tốt nghiệp (gồm bằng tốt nghiệp của đơn vị đào tạo tại Việt Nam và bằng của Học viện Chisholm - được công nhận tại Australia và nhiều nước trên thế giới) nên ngoại ngữ tốt cũng là cơ sở để lứa sinh viên thí điểm đào tạo nghề quốc tế đầu tiên tăng khả năng cạnh tranh cơ hội việc làm tại nước ngoài hoặc các DN nước ngoài tại Việt Nam.
Nhiều điểm mới trong đào tạo
Sau 5 tháng được đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ tại Australia, 8 giáo viên của Trường CĐ Kỹ thuật công nghệ Quy Nhơn (của hai nghề - Cơ điện tử và Điện tử công nghiệp) và 3 giáo viên của Trường CĐ Cơ điện - Xây dựng và Nông lâm Trung Bộ (nghề Công nghệ sinh học) đã có kỹ năng, phương pháp đào tạo, đảm bảo chuẩn đứng lớp theo yêu cầu của Australia. Đến thời điểm hiện tại, các giáo viên phụ trách giảng dạy tại các lớp nghề trình độ quốc tế trên địa bàn tỉnh đều đã đạt Chứng chỉ đào tạo và đánh giá IV, Bằng CĐ nâng cao về nghề tại Australia.
Về những điểm khác biệt trong đào tạo nghề theo chương trình chuyển giao của Australia, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật công nghệ Quy Nhơn Phạm Văn Tường, một trong 8 giáo viên đi bồi dưỡng tại Australia, chia sẻ: “Quan điểm đào tạo của Australia là đào tạo song hành với đánh giá. Ở Việt Nam, chúng ta hay đánh giá sinh viên khi kết thúc học kỳ. Nhưng tại chương trình đào tạo chuyển giao này, chúng ta đánh giá sinh viên sau mỗi kỹ năng thực hiện. Sẽ không có quan điểm là đậu hay rớt, điểm cao hay thấp mà chỉ có hai mức đánh giá là đạt hay không đạt. Chính vì thế, sinh viên sẽ không bị áp lực nặng nề về điểm số, thi cử mà tập trung rèn luyện kỹ năng, đảm bảo đạt được các chuẩn năng lực đầu ra theo yêu cầu của gói đào tạo”.
“Với quan điểm đào tạo thiên về thực hành, mỗi sinh viên của chương trình thí điểm đào tạo nghề trình độ quốc tế đều có cơ hội thực hành như nhau, đảm bảo cứ mỗi sinh viên vào thực hành lại có riêng một bộ thiết bị. Có bao nhiêu sinh viên buộc phải có bấy nhiêu bộ. Điểm này rất khác với chương trình đào tạo trước đây của chúng ta bởi do hạn chế về chi phí đầu tư, số lượng thiết bị thực hành ít, nhiều sinh viên phải dùng chung một bộ thực hành” - ông Nguyễn Lê Công Minh, giảng viên nghề công nghệ sinh học Trường CĐ Cơ điện - Xây dựng và Nông lâm Trung Bộ chia sẻ.
Dù mới chỉ tiếp cận với những bài học chuyên ngành đầu tiên song nhiều sinh viên đã bày tỏ ấn tượng với chương trình đào tạo trình độ quốc tế. Anh Trần Mỹ Nghệ (23 tuổi, sinh viên nghề công nghệ sinh học tại Trường CĐ Cơ điện - Xây dựng và Nông lâm Trung Bộ) cho biết: “Những tiết học đầu tiên trong chương trình chuyên ngành của chúng tôi là về an toàn trong phòng thí nghiệm. Ở đó nhấn mạnh: An toàn lao động và sức khỏe là một trong những tiêu chuẩn cốt lõi, buộc phải nắm vững trước khi học nghề. Tôi ấn tượng hơn nữa với các thiết bị hiện đại đã được trang bị ngay tại phòng thí nghiệm nhằm đảm bảo an toàn và sức khỏe như: vòi rửa mắt an toàn, mền cứu hỏa...”.
NGUYỄN MUỘI