Một người lính viết về quê hương *
Nguyễn Ngọc Lối là hội viên Hội VHNT tỉnh, là hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam. Nhưng có lẽ nhiếp ảnh chưa đủ để anh thể hiện hết những gì muốn nói, nên anh lại dùng một năng khiếu khác của mình - viết, như thêm một “kênh” phản ánh, bộc bạch, nhắn nhủ. Tập Ký ức về dòng sông (bút ký, NXB Hội Nhà văn) vừa ra mắt bạn đọc tháng 1.2018, gói ghém cái tình tác giả - một người lính - dành cho quê hương, cuộc đời.
Từ lâu, bè bạn văn nghệ, người yêu nhiếp ảnh trong tỉnh vẫn biết đến một Ngọc Lối nghệ sĩ ảnh với “tài lẻ” viết ghi chép, ký rất mượt mà. Đó là khi thể hiện cho dạng đề tài về phong cảnh, vùng đất hay những hoài niệm. Còn khi phản ánh những vấn đề báo chí dân sinh thiết thực, ngòi bút anh lại hiện thực, khá sắc sảo và thấm đẫm trăn trở người viết.
Trên báo Bình Định hay một số báo, tạp chí trong, ngoài tỉnh, tên ông thỉnh thoảng lại xuất hiện gắn với “đứa con tinh thần” không phải là một hay chùm ảnh nghệ thuật mà là bài ghi chép, ký hay phóng sự. Dẫu vậy, khi Ngọc Lối ra tập bút ký khá đầy đặn - Ký ức về dòng sông - bạn bè thân hữu vẫn không khỏi bất ngờ, và vui lây.
Ký ức về dòng sông gồm 33 bài viết, phạm vi đề tài chủ yếu loanh quanh trong tỉnh nhưng bấy nhiêu cũng đủ cho thấy vốn sống, trải nghiệm, sức đi của tác giả, nhất là một tâm hồn mẫn cảm, giàu lòng trắc ẩn với cảnh nghèo, thất học…, bao thăng trầm khác trong đời. Những “chiếc thuyền thân cò” - cảnh mưu sinh bằng “thuyền tự chế” từ xốp của ngư dân Chánh Oai - Cát Hải - Phù Cát. Giấc mơ tuổi thơ bị đánh cắp - về hai bé gái tiểu học vì gia cảnh cha mẹ bỏ nhau, nhà nghèo phải chịu cảnh thất học, phải ra chợ kiếm sống. Hoặc đau như nỗi đau của chính mình với Người đàn bà mù và đứa con 37 năm bị mất cắp hay Ông lão ăn mày và ngôi nhà bị mất oan… Có thể nói, Nguyễn Ngọc Lối rất để tâm đến những cảnh khổ, niềm đau đập vào mắt mình.
Bên cạnh nỗi khắc khoải, trước những vẻ đẹp, sự chuyển mình…, anh cũng ghi nhận với cả chân tình, yêu thương (An Lão - tình đất tình người, Bình minh trên đầm Châu Trúc, Núi Hương sông Lại quê mình, Con chữ nở hoa từ vùng đất khó, Con đường số 4 vào Xuân… ).
Nếu xem cuốn ký này là sự tích lũy “gia tài” viết trong khoảng thời gian khá dài trên dưới 20 năm của tác giả Nguyễn Ngọc Lối, tôi nghĩ nhiều bạn đọc sẽ có chung nhận xét, Nguyễn Ngọc Lối thành công nhất khi viết về ký ức tuổi thơ. Những trang văn thăng hoa ở Ốc gạo quê hương, Ký ức về dòng sông, Hành trình đi tìm con chữ… Không chỉ bởi đề tài ký ức tuổi thơ luôn gần gũi, dễ đồng cảm hay trong những bài viết ấy, yếu tố văn chương chữ nghĩa được trau chuốt nhất. Mà chính là bởi ở đó, người đọc cảm nhận rõ mức độ tình cảm mê say, yêu mến nhất hay nói cách khác là trạng thái thăng hoa nhất của tác giả, với những gì anh ngợi ca, tự hào…
Đọc Ký ức về dòng sông của Nguyễn Ngọc Lối, tôi nghĩ về sự nhiệt thành trong đời sống, điều ấy cần có ở tất cả chúng ta chứ không riêng nghệ sĩ. Cuốn sách không chỉ là sự bổ sung thú vị cho “sở trường” nhiếp ảnh của tác giả để anh nói thỏa lòng mình, về quê hương, về cuộc đời, mà còn giúp công chúng hiểu và yêu mến anh hơn…
SAO LY
(*): Đọc tập bút ký Ký ức về dòng sông của Nguyễn Ngọc Lối
Nghệ sĩ Ngọc Lối cũng đã viết nhiều bài thơ...chúc anh có nhiều cảm xúc để thăng hoa trong nhiếp ảnh và văn chương...