Chuyện thưởng Tết!
Cứ vào dịp cuối năm âm lịch thì câu chuyện thưởng Tết lại khiến dư luận xôn xao. Nhất là khi có thông tin nơi này, nơi kia thưởng Tết cho nhân viên cả chục triệu, trăm triệu thậm chí cả tỉ đồng, nhưng lại cũng có không ít nơi thưởng Tết cho người lao động bằng sản phẩm như mấy ngàn viên gạch, mấy ngàn gói tăm bông... Qua chuyện thưởng Tết người ta cũng có thể hình dung ra được những nơi nào làm ăn có lợi nhuận cao thưởng lớn, những nơi nào làm ăn còn khó trăm bề. Đấy là chưa kể nỗi niềm, tâm tư của những người không biết thưởng Tết là gì như ngành giáo dục chẳng hạn.
Ở nước ta, Tết Nguyên đán là dịp lễ có ý nghĩa rất đặc biệt nên chuyện có quà Tết, thưởng Tết gần như là một điều không thể thiếu. Về mặt tâm lý, người lao động sau một năm làm việc vất vả đều mong muốn có một phần quà, hay phần thưởng trong dịp Tết để chung vui cùng gia đình, người thân. Dù ít, dù nhiều thưởng Tết luôn được người lao động chờ đợi để sử dụng nó chi tiêu cho việc sắm Tết, tàu xe về quê sum họp hay đi du lịch cuối năm…
Tuy nhiên, việc thưởng Tết lại không phải là quy định bắt buộc phải thực hiện. Người sử dụng lao động được quyền chủ động, tự nguyện tặng quà, chi thưởng cho người lao động dựa trên kết quả sản xuất, kinh doanh của DN hay nguồn tài chính của đơn vị có được từ việc tiết kiệm chi tiêu trong năm dành dụm được.
Vì vậy, chuyện thưởng Tết cao hay thấp, quà Tết ít hay nhiều tùy thuộc vào mức tăng trưởng cả năm của DN, hay nguồn tiết kiệm chi của đơn vị nhiều hay ít. Gần đây, để người lao động gắn bó với mình nhiều DN đã công bố chính sách thưởng Tết cho nhân viên ngay từ đầu năm, xác định đó là một tỉ lệ nhất định được trích từ tổng lợi nhuận mà DN đạt được trong năm. Cách làm này tạo động lực để người lao động yên tâm và cố gắng làm việc vì khi DN có lợi nhuận cao thì lợi ích người lao động được hưởng cũng sẽ nhiều hơn tương ứng.
Như vậy, suy cho cùng thì thưởng Tết cũng nằm trong phần thu nhập mà người lao động được hưởng hàng năm tùy thuộc vào kết quả kinh doanh của DN, hay từ việc tiết kiệm các khoản chi trong năm để phân phối lại cho người lao động của đơn vị. Vì vậy, thay vì chia thưởng Tết “một cục” vào cuối năm như lâu nay nên chia thưởng vào các dịp lễ, Tết trong từng quý để duy trì một khoản thu nhập tương đối thường xuyên cho người lao động. Một khi thu nhập của người lao động được chi trả đều đặn trong năm họ sẽ có thêm động lực để yên tâm, gắn bó với công việc ổn định lâu dài.
HẢI ÐĂNG