Ghi nhật ký khai thác thủy sản: Việc quan trọng nhưng chưa được xem trọng
Trong hoạt động khai thác thủy sản xa bờ, việc ghi nhật ký mỗi chuyến biển là quy định bắt buộc; nhưng vì nhiều lý do khác nhau, nên nhiều ngư dân không thực hiện hoặc thực hiện theo kiểu đối phó.
Theo quy định của Bộ NN&PTNT, mỗi chuyến biển, chủ tàu hoặc thuyền trưởng tàu cá đều phải ghi nhật ký khai thác thủy sản (KTTS) về hành trình di chuyển, vị trí tàu cá trên biển, sản lượng và các loại sản phẩm khai thác.
Nhật ký KTTS của mỗi chuyến biển là cơ sở để ngành chức năng xem xét nhằm thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg của Chính phủ, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho ngư dân. Đây cũng giải pháp quan trọng để truy xuất nguồn gốc thủy sản, ngăn chặn tình trạng tàu cá xâm phạm lãnh hải các nước. Tuy vậy, không phải ngư dân nào cũng chấp hành nghiêm túc việc ghi nhật ký KTTS.
Ghi chép nhật ký khai thác là một trong những giải pháp quan trọng để truy xuất nguồn gốc thủy sản và ngăn chặn tình trạng tàu cá xâm phạm lãnh hải các nước.
Trong ảnh: Ngư dân Hoài Nhơn cho tàu cập cảng cá Quy Nhơn để bán sản phẩm.
Nhiều lý do
Ngư dân Đinh Công Khánh, ở xã Cát Khánh (Phù Cát) giãi bày: Bình quân mỗi năm chúng tôi mở 10 chuyến biển và đều kết nối thông tin liên lạc với các trạm bờ, nhưng không phải chuyến biển nào cũng ghi nhật ký. Thường thì có từ 4-5 chuyến được ghi chép cẩn thận về hành trình di chuyển tàu cá, tọa độ, vùng biển KTTS, tổng sản phẩm và các loại sản phẩm khai thác được. Khi tàu cá cập cảng, chúng tôi xuất trình nhật ký các chuyến biển cho ngành chức năng xác nhận để được hưởng chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản của Chính phủ. Các chuyến biển còn lại không nhất thiết phải ghi nhật ký. Hơn nữa, khai báo về tọa độ, sản lượng dễ bị “lộ” ngư trường, luồng cá và doanh thu…
Ngư dân Bùi Thanh Ninh, ở xã Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn), cho rằng, việc ghi nhật ký hành trình KTTS là cần thiết, nhưng không phải thuyền trưởng nào cũng tỉ mẩn ghi chép đầy đủ các hoạt động diễn ra trên biển, nhất là đối với các thuyền trưởng vừa điều khiển tàu, vừa chỉ đạo và trực tiếp KTTS trên biển. Do vậy, để thuyền trưởng khi chép nhật ký hành trình KTTS, chủ tàu cá phải giao nhiệm vụ cụ thể và có sự đãi ngộ nhất định đối với thuyền trưởng.
Theo ngành chức năng của tỉnh, toàn tỉnh có 3.700 tàu cá công suất từ 90CV trở lên thường xuyên KTTS ở những vùng biển xa. Tất cả các ngư dân KTTS xa bờ đều được phát mẫu và hướng dẫn cách ghi chép nhật ký mỗi chuyến biển, nhưng phần lớn ngư dân chỉ ghi chép 4 chuyến biển để làm cơ sở đề nghị hỗ trợ chính sách phát triển thủy sản theo Quyết định 48 của Chính phủ. Các chuyến biển khác, ngư dân không ghi nhật ký hoặc có nhưng không cụ thể, không báo cáo, nên việc kiểm soát hoạt động KTTS của ngư dân trên biển và truy xuất nguồn gốc sản phẩm gặp nhiều khó khăn.
Cấp bách khắc phục theo cảnh báo của EU
Năm 2017, có 7.721 lượt tàu của ngư dân được xác nhận KTTS ở vùng biển xa, ít hơn nhiều so với thực tế số lượng tàu cá vươn khơi, bám biển. Điều đó chứng tỏ, ngư dân vẫn còn chưa xem trọng việc ghi chép nhật ký KTTS.
Ông Nguyễn Công Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), cho biết: Năm 2018, Bộ NN&PTNT và các tỉnh thành ven biển trong nước, trong đó có tỉnh ta, thực hiện quyết liệt các giải pháp cấp bách khắc phục cảnh báo của Liên minh châu Âu (EU) về KTTS bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Riêng tỉnh ta sẽ tập trung nâng cao năng lực 2 trạm bờ đã xây dựng và xây dựng mới trạm bờ tại cảng cá Quy Nhơn để kết nối tự động với các tàu cá đã trang bị máy HF; in, cấp phát, thu nộp nhật ký khai thác, báo cáo khai thác, sản lượng thủy sản lên cảng, bến cá để quản lý nghề cá và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, phấn đấu 100% chủ tàu cá hoặc thuyền trưởng xa bờ phải thực hiện ghi, nộp nhật ký hành trình, báo cáo KTTS đúng quy định…
Tỉnh ta cũng sẽ thành lập tổ công tác thường trực tại các cảng cá để kiểm tra việc thực hiện ghi nhật ký hành trình KTTS của ngư dân, đồng thời xác nhận chuyến biển, sản phẩm cho ngư dân để được hưởng chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Mặt khác, kiểm tra và kiên quyết không cho các tàu cá ra khơi khi chưa đủ các thủ tục hồ sơ, các trang thiết bị, số lượng người theo quy định và không thực hiện đúng các quy định IUU. Hàng tháng, Chi cục Thủy sản sẽ tổng hợp số lượng tàu cá không ghi nhật ký hành trình KTTS báo cáo Sở NN&PTNT, UBND tỉnh và Bộ NN&PTNT để công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
PHẠM TIẾN SỸ