PHÁT TRIỂN TRỒNG MÌ NGUYÊN LIỆU:
Hạn chế mở rộng diện tích, chú trọng năng suất
Thời gian gần đây, giá mì nguyên liệu tăng mạnh nên nông dân trong tỉnh tăng cường mở rộng diện tích trồng mì. Phóng viên Báo Bình Ðịnh đã phỏng vấn ông Nguyễn Tấn Phát, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (thuộc Sở NN&PTNT) về vấn đề này.
* Ông có thể cho biết tình hình chung về sản xuất và tiêu thụ mì nguyên liệu trên địa bàn tỉnh ta thời gian qua?
- So với các loại cây trồng cạn khác trên đất Bình Định, cây mì chiếm diện tích khá lớn do đặc tính dễ trồng, chi phí đầu tư thấp, đầu ra tương đối ổn định. Trong năm 2017, diện tích trồng mì toàn tỉnh khoảng 11.578 ha, năng suất bình quân 26,5 tấn/ha, sản lượng trên 306 ngàn tấn. Diện tích trồng mì tập trung tại Vân Canh, Phù Cát, Phù Mỹ, Tây Sơn, Vĩnh Thạnh, An Lão, Hoài Ân…
Trên địa bàn tỉnh hiện có 5 nhà máy chế biến tinh bột mì tại Phù Mỹ, Vân Canh, Vĩnh Thạnh, Tây Sơn, TP Quy Nhơn, tổng công suất thiết kế 270 ngàn tấn sản phẩm/năm. Ngoài ra, còn có khoảng 150 cơ sở, hộ gia đình chế biến tinh bột mì (nhiều nhất ở xã Hoài Hảo, Hoài Nhơn), sản lượng hàng năm khoảng 8.000 tấn tinh bột.
Tuy nhiên, vùng nguyên liệu mì trong tỉnh hiện chưa đáp ứng đủ nguyên liệu cho các nhà máy, khi thị trường xuất khẩu tinh bột mì thuận lợi, giá nguyên liệu được các nhà máy đẩy lên để cạnh tranh thu mua. Giá mì tăng cao cùng với việc các nhà máy chế biến nguyên liệu sinh học Ethanol đang đẩy mạnh thu mua mì nguyên liệu có nguy cơ gây ra hiện tượng nông dân ồ ạt bỏ các loại cây trồng khác để chuyển sang trồng mì.
Mô hình trồng mì giống mới (KM228) cho năng suất cao tại Hoài Nhơn. Ảnh: ĐINH VĂN TOẠI
* Trước tình hình như vậy, định hướng phát triển cây mì trên địa bàn tỉnh ta sẽ như thế nào, thưa ông?
- Việc phát triển ồ ạt cây mì mà thiếu kiểm soát sẽ dẫn đến nguy cơ đất đai sản xuất bị thoái hóa vì cây mì hút chất dinh dưỡng trong đất rất mạnh. Công tác quản lý, bảo vệ rừng cũng sẽ có nguy cơ gặp nhiều khó khăn bởi tình trạng chặt phá cây lâm nghiệp, lấn chiếm đất rừng trái phép để trồng mì.
Về quy hoạch phát triển cây mì trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến 2030, ngành Nông nghiệp tỉnh chủ trương hạn chế mở rộng diện tích mì mà tập trung nâng cao năng suất, hiệu quả trồng mì. Cụ thể, đến năm 2020, diện tích trồng mì ở mức 11.000 ha và ổn định đến năm 2030. Vùng sản xuất mì nguyên liệu tập trung phục vụ các nhà máy chế biến khoảng 8.800 ha, chiếm 80% diện tích mì toàn tỉnh (Tây Sơn 2.200 ha, Phù Cát 2.100 ha, Phù Mỹ 1.800 ha, Hoài Nhơn 1.100 ha…).
* Trước tình hình giá mì đang tăng mạnh như hiện nay, có nguy cơ nông dân sẽ ồ ạt mở rộng diện tích. Chi cục đã có giải pháp gì để hạn chế tình trạng này?
- Với trách nhiệm là cơ quan quản lý lĩnh vực trồng trọt, Chi cục đã tham mưu lãnh đạo Sở NN&PTNT ban hành văn bản gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố về triển khai các giải pháp phát triển cây mì bền vững. Theo đó, yêu cầu các địa phương quy hoạch các nhà máy chế biến tinh bột mì phù hợp với khả năng cân đối nguyên liệu trên địa bàn tỉnh; chỉ cho phép tăng công suất khi đã cân đối nguồn nguyên liệu. Đề nghị các nhà máy chế biến tăng cường đầu tư thâm canh, tăng năng suất, đảm bảo nguyên liệu phù hợp với quy mô của nhà máy. Khuyến khích chế biến sâu tinh bột ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, nâng cao kim ngạch xuất khẩu.
Các địa phương trong tỉnh thực hiện công tác quản lý theo quy hoạch, đảm bảo vùng nguyên liệu mì phát triển theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt. Tiếp tục hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật canh tác, đưa vào sản xuất các giống mì cho năng suất, chất lượng cao; phát triển và nhân rộng trồng mì theo mô hình cánh đồng lớn theo chuỗi giá trị bền vững ở những vùng sản xuất tập trung.
* Xin cảm ơn ông!
NGUYỄN HÂN (Thực hiện)