Sàng lọc trước sinh và sơ sinh:
Mở nhiều, làm chẳng được bao nhiêu
Khởi động từ cuối năm 2010, Ðề án sàng lọc trước sinh (SLTS) và sàng lọc sơ sinh (SLSS) đã được phủ khắp 159/159 xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Tuy nhiên, tính đến đầu năm 2013, số trẻ sơ sinh được SLSS chỉ khoảng 8%.
Mục tiêu Đề án SLTS và SLSS là hạn chế trẻ sinh ra bị mắc một số dị tật bẩm sinh, góp phần nâng cao chất lượng dân số. Kết quả điều tra năm 2010, do Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh tiến hành, cho thấy tỉ lệ đối tượng đồng ý thực hiện SLTS là 94,5% và SLSS là 87%.
Chỉ 8% trẻ sơ sinh được sàng lọc
Tuy nhiên, kết quả SLTS thực hiện năm 2011 chỉ có 0,3% phụ nữ có thai, SLSS là 4,3% trẻ; đến năm 2012 số trẻ sơ sinh được sàng lọc có tăng nhưng cũng không nhiều khi chỉ có 8%. Ông Nguyễn Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh, cho biết nguyên nhân chủ yếu là Trung tâm sàng lọc - chẩn đoán trước sinh và sơ sinh (Đại học Y dược Huế) chưa đáp ứng đầy đủ và kịp thời các bộ dụng cụ để sàng lọc. Năm 2011, chương trình SLTS phải dừng lại vì… hết hóa chất xét nghiệm.
Với SLTS, sự phối hợp giữa kết quả xét nghiệm máu mẹ và đo độ mờ da gáy của thai nhi ở 11 tuần đến 13 tuần 6 ngày cho phép tăng khả năng phát hiện thai nhi mắc hội chứng Down lên tới trên 90%, trong khi xét nghiệm máu mẹ chỉ cho phép phát hiện khoảng hơn 65% trường hợp thai nhi mắc hội chứng này. Tuy nhiên, việc siêu âm đo độ mờ da gáy đòi hỏi các bác sĩ phải được đào tạo về siêu âm tiền sinh và có phần mềm chuyên biệt được cài đặt để sử dụng. Hiện tại, việc siêu âm sàng lọc chỉ mới thực hiện được ở BVĐK tỉnh và Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh.
Còn với SLSS, người dân đã nhận thức được ích lợi của chương trình và đang yêu cầu được cung ứng dịch vụ. Song đối tượng được hỗ trợ sàng lọc (theo Thông tư liên tịch 20/2013/TTLT-BTC-BYT liên bộ Tài chính - Y tế là những người thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo, người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số sống tại các xã đặc biệt khó khăn, người dân các xã thuộc đề án dân số biển. Số đối tượng còn lại (chiếm tỉ lệ cao) cũng có nhu cầu được sàng lọc, nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể.
Mặt khác, số đối tượng được sàng lọc phát hiện có nguy cơ cao chưa được chẩn đoán đầy đủ để xác định có bệnh hay không. Năm 2012, trong 49 ca SLSS có nghi ngờ bất thường chỉ 12 trường hợp được xét nghiệm chẩn đoán suy giáp bẩm sinh tại BVĐK tỉnh. Các trường hợp nghi ngờ bị thiếu men G6PD được khuyến khích đi xét nghiệm chẩn đoán tại các bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh, đến nay vẫn chưa có phản hồi.
tháo gỡ thế nào?
Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác truyền thông, việc xây dựng và duy trì mạng lưới SLTS và SLSS từ tỉnh đến cơ sở rất được chú trọng. Hằng năm, tỉnh đều phối hợp với Trung tâm chẩn đoán - sàng lọc trước sinh và sơ sinh khu vực miền Trung tổ chức các lớp tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác y tế và dân số: 15 bác sĩ công tác tại bệnh viện, trung tâm y tế được tham gia khóa tập huấn về siêu âm tiền sinh; 4 bác sĩ siêu âm sản khoa của BVĐK tỉnh được đào tạo theo cách “cầm tay chỉ việc” về chẩn đoán - sàng lọc trước sinh; 21 nữ hộ sinh, điều dưỡng được tập huấn và thực hành về kỹ thuật lấy máu gót chân trẻ sơ sinh. Đội ngũ nòng cốt này về cơ sở tiếp tục đào tạo lại cho các đồng nghiệp những kiến thức và kỹ năng đã nắm bắt được.
Năm 2013, Bình Định được giao chỉ tiêu SLSS 25% số trẻ sinh ra sống và 10% SLTS cho sản phụ. “Tỉnh sẽ tích cực phối hợp với Trung tâm sàng lọc - chẩn đoán trước sinh và sơ sinh mở rộng đào tạo cho đội ngũ y tế tuyến cơ sở về sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh. Đối với các trường hợp SLSS nghi ngờ bất thường được tư vấn chuyển lên BVĐK tỉnh (nghi ngờ suy giáp bẩm sinh) và lấy máu xét nghiệm chẩn đoán tại cơ sở để gửi Trung tâm sàng lọc - chẩn đoán trước sinh và sơ sinh (nghi ngờ thiếu men G6PD). Chúng tôi cũng đang mong Trung ương hướng dẫn cụ thể hơn để các đối tượng ngoài Thông tư 20 được thực hiện sàng lọc”, ông Quang cho biết.
Trong tháng 6, Sở Y tế đã phối hợp với Trung tâm chẩn đoán - sàng lọc trước sinh và sơ sinh tập huấn cho 47 bác sĩ, điều dưỡng và nữ hộ sinh khoa Sản của các cơ sở y tế công lập các tuyến. Trước đó, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cũng đã tổ chức 1 lớp tập huấn về kỹ năng truyền thông, theo dõi, quản lý đối tượng được sàng lọc cho 22 cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ các địa phương.
Đến nay, 8/11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã được trang bị máy siêu âm xách tay, 1 BVĐK khu vực được trang bị máy siêu âm 3D. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở y tế tuyến dưới triển khai hoạt động sàng lọc trước sinh bằng siêu âm đo độ mờ da gáy (trước đây chỉ có Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh thực hiện).
NGỌC MAI