Hai Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai nhiệm vụ năm 2018
Sáng 29.1, tại Hà Nội, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm của Chính phủ (Ban Chỉ đạo 138/CP), Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ năm 2018 của 2 Ban Chỉ đạo quan trọng này.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình nêu rõ những thành tựu to lớn về kinh tế-xã hội của đất nước năm 2017. Chúng ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực, an ninh, chính trị được bảo đảm; kinh tế xã hội đạt và vượt 13/13 chỉ tiêu kế hoạch, kinh tế vĩ mô ổn định, các ngành, lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế phục hồi và phát triển tốt; thực hiện tốt công tác bảo đảm an sinh xã hội; công tác phòng chống tham nhũng được đẩy mạnh, củng cố niềm tin trong nhân dân.
Bên cạnh những kết quả đó, vẫn còn một số tồn tại, bất cập như: Kỷ cương, kỷ luật hành chính nhiều nơi chưa nghiêm, bộ máy còn cồng kềnh, kém hiệu quả, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế, tình hình tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả vẫn diễn biến phức tạp.
Trong bối cảnh chung đó, theo Phó Thủ tướng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo 138/CP và Ban Chỉ đạo 389 là rất nặng nề, nhất là trong việc phát hiện, phòng ngừa, xử lý tội phạm, xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả. Nhìn chung, Ban Chỉ đạo 138/CP và Ban Chỉ đạo 389 ở Trung ương và địa phương đã hoàn thành mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ trong chỉ đạo công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, qua đó góp phần bảo đảm tốt tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy kinh tế phát triển, đóng góp cùng Chính phủ hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ lớn nêu trên.
Đây là Hội nghị quan trọng nên Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương, cơ quan chức năng, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý được giao tập trung đóng góp ý kiến thẳng thắn vào các vấn đề chính, cụ thể là đánh giá hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành năm 2017, cần tập trung làm rõ nhũng kết quả nổi bật, những cách làm hay, mô hình hiệu quả, đồng thời cũng cần thẳng thắn chỉ rõ những vấn đề tồn tại, hạn chế, khó khăn và đề xuất giải pháp khắc phục. Cần quan tâm đánh giá công tác kiểm tra, sơ kết, tổng kết và xác định trách nhiệm tập thể, cá nhân trong thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị các đại biểu thảo luận phương hướng năm 2018, trong đó tập trung vào những vấn đề, lĩnh vực được quan tâm, giải pháp đột phá cần phấn đấu thực hiện. Đặc biệt là những vấn đề, lĩnh vực nóng, được nhân dân, dư luận quan tâm như phòng, chống tội phạm mua bán người, tội phạm về kinh tế, tham nhũng, tội phạm công nghệ cao, tội phạm mạng, các loại tội phạm đặc biệt nguy hiểm, tội phạm có tổ chức kiểu “xã hội đen”, tình trạng bạo hành, xâm hại trẻ em, vấn đề môi trường và khai thác cát sỏi trái phép, lâm tặc phá rừng, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ, đặc biệt là các mặt hàng như: Xăng, dầu, gas, thuốc lá, động vật hoang dã, phân bón, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thuốc tân dược...
Báo cáo của Bộ Công an do Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an trình bày cho biết: Năm 2017, phạm pháp hình sự xảy ra 52.947 vụ. Hoạt động của các loại tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, nổi lên là: Tội phạm xâm phạm trật tự xã hội, hoạt động của tội phạm núp bóng doanh nghiệp, các băng, nhóm tội phạm ở một số địa phương có biểu hiện lộng hành, tính chất lưu manh, côn đồ, liều lĩnh, gây tâm lý lo lắng trong nhân dân.
Tội phạm giết người giảm về số vụ, nhưng tính chất, hành vi phạm tội dã man, tàn bạo, thể hiện sự xuống cấp về mặt đạo đức, xảy ra một số vụ việc đối tượng có biểu hiện tâm thần, “ngáo đá” giết người. Tình trạng bạo hành, xâm hại trẻ em diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều địa phương. Tội phạm chống người thi hành công vụ tính chất, mức độ ngày càng liều lĩnh, nguy hiểm, manh động, thách thức, coi thường pháp luật; tái diễn tình trạng cướp tiệm vàng, ngân hàng, quỹ tín dụng, trong đó có một số vụ đặc biệt nghiêm trọng.
Tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em Việt Nam ra nước ngoài được kiềm chế, nhưng nước ta vẫn là “điểm nóng” của tình trạng mua bán người và di cư bất hợp pháp, nhất là mua bán phụ nữ, trẻ em gái để hoạt động mại dâm, kết hôn bất hợp pháp, đẻ thuê...
Về tội phạm kinh tế, tham nhũng, tiếp tục phát hiện nhiều sai phạm trong các lĩnh vực đầu tư, xây dụng, tài chính, ngân hàng, quản lý sử dụng đất, bảo hiểm y tế, cấp phép các dự án vốn đầu tư nước ngoài, xử lý nợ xấu, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, sản xuất kinh doanh các mặt hàng trọng yếu... Sai phạm, tiêu cực, dấu hiệu lợi ích nhóm tại nhiều dự án BT, BOT giao thông tiếp tục được xác minh làm rõ.
Tình trạng buôn lậu, gian lận trong kinh doanh xăng dầu với số lượng lớn qua hình thức tạm nhập, tái xuất có sự thông đồng của số cán bộ trong ngành hải quan. Đáng lưu ý, tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón giả vẫn diễn biến phức tạp trong cả nước, gây thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp...
Hoạt động của tội phạm sử dụng công nghệ cao rất tinh vi, chủ yếu là trộm cắp thông tin tài khoản ngân hàng, thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của các chủ thẻ hoặc sử dụng thẻ ngân hàng giả để rút tiền tại các cây ATM; đánh bạc, tổ chức đánh bạc qua mạng, có vụ lên đến hàng nghìn tỷ đồng; tin tặc tấn công bằng các loại virus, mã độc qua ứng dụng phần mềm... Nhiều vụ giả danh cán bộ cơ quan bảo vệ pháp luật, nhân viên ngân hàng, nhà cung cấp dịch vụ viễn thông để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Hoạt động của tội phạm về môi trường nổi lên vi phạm về quản lý, xử lý chất thải nguy hại, nước thải công nghiệp, tình trạng ô nhiễm khí thải. Vi phạm pháp luật về khai thác, vận chuyển, mua bán tài nguyên, khoáng sản trái phép; vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn rất phổ biến, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe của người dân; tình trạng sản xuất rượu giả, rượu methanol dẫn đến một số vụ ngộ độc rượu nghiêm trọng. Tái diễn tình trạng thủy, hải sản chết hàng loạt do ô nhiễm môi trường ở nhiều địa phương, ảnh hưởng đến đời sống người dân và môi trường sống.
Báo cáo của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho biết: Năm 2017, các cơ quan chức năng đã phát hiện 225.837 vụ việc vi phạm (tăng 1,15% so với năm 2016), thu nộp ngân sách Nhà nước từ tiền xử phạt vi phạm hành chính, bán hàng tịch thu và công tác thanh tra, kiểm tra, truy thu thuế đạt 23.101 tỷ 638 triệu đồng (tăng 7,17% so với cùng kỳ 2016), khởi tố 1.637 vụ án (tăng 4,87% so với cùng kỳ) và khởi tố 2.118 đối tượng vi phạm (tăng 13,69% so với cùng kỳ). Theo Lê Sơn (Chinhphu.vn)