Những xác hoa ngậm nắng
Hôm nay là ngày nắng ửng hiếm hoi giữa những đợt mưa lê thê. Giặt giũ, phơi phóng. Sau đó đến quét tước, dọn dẹp, những việc tưởng chừng lặt vặt nhưng vén tay áo xông vào nó là cả một vấn đề. Không phải phức tạp, không phải lười lĩnh, gọi cho đúng cảm giác là lúng túng và e ngại.
Hoa đu đủ đực
Để quét dọn, không thể không khua động các xó xỉnh, sắp xếp lại, giữ cái này, bỏ cái kia. Cái khó không ở chỗ giữ mà ở chỗ bỏ. Có những vật dụng không dùng nữa, không cần đến nữa, nhưng không thể cứ vậy mà vứt đi, nhất thiết phải mở ra nhìn, phải chạm tay vào. Chính khoảnh khắc nhìn và chạm, dù rất khẽ khàng, hồn ta bất chợt rung lên như một dây đàn vừa lướt phím.
Nó, cái túi lá và hoa đu đủ đực đã phơi khô. Để có được nó, gia đình tôi đã hỏi tìm từ rất nhiều nguồn. An Lão, Hoài Ân, An Nhơn, Tuy Phước, Vân Canh... Bất kể là núi hay biển, cứ nghe là tìm, là xin, mua bằng được. Có những bận gặp chủ cây khó tính, tôi đã tha thiết năn nỉ, dỗ dành một cách kiên nhẫn, để được hái các tàu lá, các búp hoa thần thánh. Vâng, thần thánh, vì theo như đồn đại, lá và hoa đu đủ đực có tác dụng trị ung thư phổi.
Chị Hai tôi mắc căn bệnh hiểm nghèo ấy, khi phát hiện đã sau giai đoạn 3, hai lá phổi có ba khối u và tràn dịch đỏ. Các bệnh viện từ chối phẫu thuật. Con của chị nhờ bác sĩ liên hệ, lấy mẩu dịch gửi qua Singapore xét nghiệm, họ trả kết quả và khuyên không nên đi nước ngoài nữa. Không thể bó tay nhìn chị hoảng loạn, chúng tôi tra sách báo, tra Google, đọc và lọc tất cả các phương pháp chữa ung thư phổi bằng Tây y, Đông y, từ kinh nghiệm bác học lẫn dân gian. Rất nhiều bài viết khẳng định dùng "trà" lá và hoa đu đủ đực rất hiệu nghiệm. Và chúng tôi hy vọng.
Rời bệnh viện về nhà, chị Hai tôi cắn răng uống trà đu đủ. Sau một tháng, đi kiểm tra lại, dịch phổi bớt đỏ, hai tháng thì trong hẳn, và kỳ diệu thay, ba khối u chỉ còn hai, kích thước nhỏ lại so với đợt chụp đầu tiên. Chị tôi khóc, mừng mà khóc.
Hoa đu đủ đực phơi khô.
Biết tin chị Hai tôi đau, các chị, em phía chồng tôi lặn lội vào sâu tận các ngách núi An Lão, Hoài Ân để tìm, không có hoa thì xin lá, không có đu đủ đực thì hái lá đu đủ cái. Anh em đồng nghiệp đi đâu thấy hoa đu đủ đực là nghĩ ngay đến việc xin về cho tôi. Hôm nào tôi đi vắng, họ tự đem phơi, rồi túm túm dúi cho tôi từng nhúm hoa khô. Khi ngửa tay đón nhận, tôi cảm động biết chừng nào vì sự ngọt ngào nặng sâu của ân nghĩa.
Một buổi chiều, anh Hồng xách vào phòng làm việc của tôi mấy nhánh hoa đu đủ đực trắng muốt, bảo: "Chị Trang, tôi biết chỗ kia có ba cây đu đủ đực luôn! Cây cao vống, phải leo lên bờ tường rồi dùng khèo nèo móc xuống. Đừng lo, tui sẽ đi hái cho chị!". Và mỗi tháng một lần, anh cùng tôi sang cơ quan G, xin bác bảo vệ vào khèo hoa đu đủ, có hôm được một rổ đầy.
Trong những xác lá, xác hoa bé bỏng, tôi đã âm thầm trộn bao thương cảm, hy vọng, nắng nôi của lòng mình với lòng trời làm một, để mong chị Hai tôi được kéo dài sự sống.
Nhưng chị tôi đã không qua khỏi.
Còn một túi lá hoa khô chưa kịp gửi vào Sài Gòn cho chị, tôi nhét thật kín vào góc nhà trên tầng ba, nơi tôi có thể giả vờ quên với một lý do: leo cầu thang nhiều đau đầu gối.
Nhưng, lại nhưng, hôm nay phải chạm đến nó rồi, vì có một người vừa tìm hỏi về loài hoa này với giọng chưa hết bàng hoàng. Chạm đến, để thương nhớ một đôi mắt đã khép lại và thắp lên trong ánh mắt khác niềm hy vọng. Dưới trời xanh, còn gì mãnh liệt hơn và mong manh hơn sự sống? Trên gian gác tĩnh mịch, nổi lên tiếng lạo xạo của bì nilon, màu nâu giòn của lá hoa ngậm nắng, mùi thơm của linh hồn thảo mộc, và nụ cười, nước mắt của chị tôi...
Trần Thị Huyền Trang