Quản lý dịch vụ chuyển từ chính sách phí sang cơ chế giá: Tháo gỡ “điểm nghẽn”
Chậm xây dựng và ban hành biểu chi phí, mâu thuẫn trong cơ chế điều hành, chưa có quy định tiêu chuẩn định mức kinh tế - kỹ thuật… là những “điểm nghẽn” đặt ra cần phải giải quyết đối với việc quản lý các dịch vụ chuyển từ chính sách phí sang cơ chế giá.
Sau 1 năm triển khai Luật Phí, lệ phí và thực hiện Nghị định số 149/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá (hiệu lực thi hành từ 1.1.2017), UBND tỉnh đã ban hành quyết định giá đối với 6 loại dịch vụ chuyển từ phí sang cơ chế giá do Nhà nước định giá; 12 loại phí được chuyển thực hiện theo cơ chế giá thị trường nhà nước không định giá. Lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách đối với ngành GD&ĐT, Y tế cũng được triển khai thực hiện theo quy định.
Vừa mừng, vừa lo
Phó Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Thị Tuyết Mai đánh giá, dù bước đầu cho thấy cơ chế quản lý giá đối với nhóm dịch vụ chuyển từ chính sách phí sang cơ chế giá đã đạt được hiệu quả nhất định, không gây xáo trộn, biến động lớn đến đời sống nhân dân; nhưng vẫn còn không ít khó khăn.
Hai bước chuyển trong năm 2017 đối với ngành Y tế là triển khai mức thu giá tối đa dịch vụ khám chữa bệnh theo Thông tư 37; và quyết định UBND tỉnh về việc áp dụng khung giá dịch vụ y tế cuối tháng 12.2017. Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng cho rằng, triển khai điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo Thông tư 37 và Thông tư 02 mang tính đặc thù là cơ hội rất tốt cho ngành Y tế, khi từ ngày 1.4.2017 đến nay toàn ngành đã thực hiện tự chi trả lương; tỉnh không bố trí ngân sách chi cho lương, và từ 2018 cắt luôn chi phí giường bệnh. Qua đó, giảm chi từ ngân sách tỉnh năm 2018 khoảng 280 tỉ đồng.
Tuy nhiên, vấn đề nảy sinh là sự mâu thuẫn giữa giá dịch vụ y tế và chi trả quỹ bảo hiểm y tế, khi kinh phí hoạt động của các cơ sở khám, chữa bệnh phụ thuộc gần như hoàn toàn vào quỹ này. Ông Hùng phân tích: “Giá dịch vụ y tế điều chỉnh tăng cao, quyền lợi của người tham gia cũng được mở rộng, nhưng thanh toán quỹ bảo hiểm y tế thì vẫn… đứng im, khiến các cơ sở y tế hết sức khó khăn. Khi vượt quỹ, theo Luật Bảo hiểm y tế, đến tháng 10 của năm sau hội đồng quỹ quốc gia mới họp và quyết định chính thức, còn thì chỉ tạm ứng. Như Bình Định, năm 2017 vượt quỹ 360 tỉ đồng thì phải phập phồng đợi đến tháng 10.2018 mới xác định có được thanh toán hay không”.
Một vướng mắc khác tác động đến quản lý giá dịch vụ y tế hiện có là loại hình y tế phối hợp công - tư và loại hình thực hiện theo Nghị quyết 93 của Chính phủ. Các loại hình này, trong văn bản chưa rõ xác định thuộc loại hình hoạt động nào, và cũng không thuộc y tế tư nhân.
Trong khi đó, với ngành GD&ĐT, năm 2017 thực hiện 2 loại phí chuyển sang giá dịch vụ mà Nhà nước không định giá, bao gồm: phí đấu thầu, đấu giá và phí dự thi, dự tuyển. Ngoài ra, chưa triển khai và xây dựng giá cho các loại phí khác. “Hiện nay, nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công thuộc lĩnh vực GD&ĐT chưa được ban hành, nên việc triển khai lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước đối với ngành chưa được triển khai”, ông Bùi Thế Ty - Phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở GD&ĐT cho hay.
Hoàn thiện pháp lý, cơ chế quản lý
Tháo gỡ các vướng mắc trên, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai đưa ra kiến nghị quan trọng với đoàn công tác của Bộ Tài chính làm việc tại Bình Định mới đây về việc tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý, cơ chế quản lý và điều hành trong quản lý dịch vụ chuyển từ chính sách phí sang cơ chế giá.
Mặt khác, mức thu phí, lệ phí được ban hành theo hình thức văn bản quy phạm pháp luật. Vì vậy, hình thức của các quyết định ban hành giá tối đa (hoặc khung giá, giá cụ thể) đối với các loại dịch vụ chuyển từ phí sang giá là văn bản hành chính thông thường (quyết định cá biệt) để chủ động và đơn giản hóa các thủ tục trong việc xây dựng, thẩm định, trình UBND tỉnh quyết định giá các loại dịch vụ chuyển từ phí sang giá do Nhà nước định giá. Đồng thời, ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện các loại phí, lệ phí chuyển sang cơ chế giá đối với ngành GD&ĐT, cũng như nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công thuộc lĩnh vực này.
Liên quan đến giá dịch vụ y tế, theo lộ trình thị trường đến năm 2020, tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản. “Muốn thu đủ giá dịch vụ thì phải cân đối nguồn hoạt động, chứ không thể tăng mà không biết nguồn lực ra sao”, ông Lê Quang Hùngnhấn mạnh.
Chia sẻ về các vướng mắc chậm ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, ông Nguyễn Văn Truyền - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá cho hay, tại hội nghị mới đây Bộ Tài chính cũng đã “thúc” các Bộ, ngành liên quan khẩn trương hoàn thiện các định mức để làm cơ sở xác định giá dịch vụ thuộc thẩm quyền quản lý bảo đảm tính đúng, tính đủ chi phí thực hiện vào giá theo cơ chế thị trường.
Đối với việc tiếp tục thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế trong năm nay, các bộ, ngành liên quan tính toán liều lượng và thời điểm kết cấu chi phí quản lý vào giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh phù hợp với thực tế bảo đảm cân đối quỹ bảo hiểm y tế và mục tiêu kiểm soát lạm phát.
MAI HOÀNG