Cuộc trò chuyện của một lão nông…
Cuộc cách mạng một-cọng-rơm là cuốn sách của Masanobu Fukuoka- một lão nông Nhật Bản, chia sẻ về quá trình thực hành làm nông tự nhiên, cách làm “không làm gì cả” - không cày xới, không bón phân và không hóa chất. Điều ngỡ là phi lý - so với thói quen canh tác hiện nay - hóa ra lại là một hướng đi tích cực, đưa con người về với tự nhiên, thoát khỏi những trói buộc của tư duy lợi ích…
Người nông dân, khi gieo hạt giống xuống cánh đồng, hẳn cũng sẽ gieo xuống đó những ý nghĩ lương thiện. Nhưng cuộc can thiệp ngày càng sâu của khoa học kỹ thuật, việc lạm dụng các chất kích thích tăng trưởng, hóa chất vô tình bào mòn sức sống của mẹ đất, và bào luôn những ý nghĩa tốt đẹp của họ. Khắp nơi trên trái đất, có thể khác nhau về tiếng nói, mùa vụ… nhưng những người gieo hạt có những nỗi lo lắng giống nhau. Không khó nhận ra, quẩn quanh quẩn bên từng bữa cơm gia đình là nỗi lo từ mơ hồ giờ mỗi ngày một rõ ràng hơn.
Cuộc cách mạng một-cọng-rơm đặt ra một phản biện cho nền văn minh: “Nếu thực sự chúng ta có khủng hoảng lương thực thì nó sẽ không phải do năng lực của tự nhiên không đủ, mà là do bởi ham muốn vô độ của con người”. Và: “Đất là kẻ cung cấp hào phóng nhưng nó mỏng manh và dễ bị tổn thương. Ta cần phải chú ý đến điều đó và hành động. Bởi chữa lành đất đai cũng chính là chữa lành linh hồn con người”.
Masanobu Fukuoka chứng minh rằng, không nhất thiết phải vắt kiệt dinh dưỡng của đất bằng cách canh tác áp dụng khoa học hiện đại với phân bón, thuốc hóa chất mới cho sản lượng cao. Và bằng quãng thời gian tách rời khỏi thế giới văn minh, thực hành công việc làm nông thuận theo tự nhiên, cánh đồng của Fukuoka đã cho sản lượng ngang ngửa với cách rất nhiều người đang làm trong khi tiết kiệm được nhiều chi phí.
Đặc biệt, trong quá trình gắn mình với thiên nhiên, Masanobu Fukuoka tìm thấy sự thanh thản. Cuốn sách là kết quả của sự chắt lọc, chiêm nghiệm của một lão nông yêu thiên nhiên và con người. Ông viết nên một câu chuyện làm nông, nhưng câu chuyện ấy lại mang đậm tính chất triết học đời sống, vừa sâu sắc vừa gần gũi.
Cuốn sách của một lão nông nhưng thật bất ngờ, khi đọc hết 250 trang sách, người đọc lại thấy nó không hề nhàm chán. Ngược lại, còn cuốn hút và thú vị lạ thường. Đấy rõ ràng là những chân giá trị, những thông điệp và bài học mà chắc hẳn người đọc sẽ tìm thấy qua Cuộc cách mạng một-cọng-rơm, ngoài những kiến thức về nông nghiệp…
VĂN PHI