Ðón Tết trong nhà nghĩa tình
Thời điểm này, hàng trăm gia đình người có công trên địa bàn tỉnh đang sửa soạn đón Tết trong căn nhà mới.
Năm 2017, từ Quyết định số 1447 của UBND tỉnh, 650 hộ người có công có nhà ở xuống cấp do ảnh hưởng của thiên tai trên địa bàn tỉnh đã được hỗ trợ về nhà ở theo mức 40 triệu đồng/hộ. Tổng kinh phí cho chương trình là 26 tỉ đồng, từ nguồn ủng hộ của các tổ chức, cá nhân trong, ngoài tỉnh. Đến nay, công tác xây dựng và nghiệm thu, hỗ trợ đã hoàn tất. Dù bề thế hay nhỏ nhắn, vừa phải, tất cả những ngôi nhà này đều đem đến niềm vui, sự an tâm cho người có công và thân nhân của họ trong thời điểm Tết Nguyên đán đang cận kề.
Ông Cao Lê cùng vợ và cháu nội trong căn nhà mới được xây dựng từ sự hỗ trợ của nhà nước và đóng góp của các con.
Nhiều năm nay, cứ nghe tin mưa bão, vợ chồng ông Nguyễn Thanh Liên (70 tuổi, thương binh, bệnh binh, ở thôn Kim Tây, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước) lại dắt nhau qua nhà anh trai ở nhờ vì sợ căn nhà quá cũ của mình sẽ sập. Đến giữa năm 2017, khi được chọn để hỗ trợ xây nhà, vợ chồng ông mới phần nào thở phào. Nhờ con cháu là thợ hồ, ông Liên tiết kiệm được kha khá tiền công xây dựng. Cộng với tận dụng lại các bộ cửa và vật dụng trong nhà nên dù đổ nền cao hơn 1m, đổ trần là bê tông cho kiên cố, ông Liên chỉ tốn hơn 100 triệu đồng cho căn nhà cấp 4 rộng chừng 100 m2.
Hoàng Phạm (thực hiện)
Ngồi ở hiên nhà mới, nhìn sang phía đối diện là ngôi nhà cũ với bộ khung rạn nứt, rêu phong, ông Nguyễn Thanh Liên tâm sự: “Được Nhà nước quan tâm hỗ trợ kịp thời, vợ chồng tôi rất mừng. Địa phương cấp tiền hỗ trợ cũng rất nhanh chóng. Khi tôi xây được nửa nhà thì được ứng trước 20 triệu đồng để trang trải các khoản chi vật liệu. Số tiền còn lại được bàn giao khi hoàn tất ngôi nhà. Hiện, vợ chồng tôi vẫn đang cố gắng làm lụng để trả khoản nợ ngân hàng là 20 triệu đồng”.
Nằm dưới rặng tre xanh mướt, bình yên là căn nhà mới của ông Cao Lê (68 tuổi, thương binh, ở thôn Hòa Phong, xã Nhơn Mỹ, TX An Nhơn). Khi tôi đến, ở gian nhà khách, cô cháu gái đang tíu tít khoe đồ chơi với ông bà nội. Không giấu được niềm vui, ông Lê cười, bảo: “Đúng là có nhà mới, thoáng mát, vững chãi, tôi đi làm ruộng về lúc trưa nắng, mệt nhọc cũng thấy nhẹ người; con cháu cũng có chỗ vui chơi an toàn, sạch sẽ”.
Ông Liên yên tâm khi có nhà mới.
Theo lời ông Lê, lúc đầu, ông định bụng chỉ nâng nền, giữ lại bức tường cũ, xây thêm 4 lớp gạch, hoàn thiện phần mái là ổn với số tiền 40 triệu đồng. Nhưng rồi tháo dỡ ra mới biết toàn bộ tường nhà đã rệu rã, không đủ sức đỡ phần gạch mới. “Vậy là, 6 đứa con họp lại, bàn với tôi là gắng xây luôn một lần cho nó đàng hoàng để sau này là nơi con cháu quây quần, có chỗ thờ phụng tổ tiên. Anh con trai đang ở cùng tôi cũng muốn gánh vác chi phí xây cất với cha mẹ để có chỗ ở chắc chắn, an tâm. Tôi đi vay ngân hàng 50 triệu đồng. Con cái góp thêm một ít. Căn nhà cấp 4 có 3 gian hoàn thành vào tháng 5 âm lịch. Tháng 9 vừa qua, vợ chồng tôi làm đám cưới cho con gái út trong nhà mới. Tết này hứa hẹn là đông vui hơn bởi nhà cửa đã rộng rãi hơn trước”, ông Lê kể tiếp.
Những năm qua, do ngân sách Trung ương phân bổ chậm, nhiều hộ người có công được hỗ trợ nhà ở theo Quyết định 22 bức xúc vì chưa thể xây dựng lại nhà ở dù đã xuống cấp trầm trọng. Các địa phương đã khẩn trương trích Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, huy động nguồn lực xã hội để hỗ trợ những trường hợp cấp thiết.Tuy nhiên, 5 đợt lũ cuối năm 2016 đã làm số nhà ở bị xuống cấp trầm trọng trên địa bàn tỉnh tăng lên. “Chính sách hỗ trợ riêng của tỉnh kịp thời đã giải tỏa bức xúc của gia đình người có công. Điểm đặc biệt của chính sách lần này là hoàn toàn không sử dụng ngân sách nhà nước mà từ nguồn huy động xã hội. Các ngành, địa phương đã tập trung rà soát và bình chọn hộ hưởng lợi, thể hiện trách nhiệm đối với sự ủng hộ, tài trợ của các tổ chức, cá nhân”, ông Nguyễn Mỹ Quang, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH trao đổi.
NGUYỄN MUỘI