ÐẢM BẢO TIÊU CHÍ MÔI TRƯỜNG TẠI CÁC XÃ ĐẠT CHUẨN NTM Ở TUY PHƯỚC:
Nhiều khó khăn, thách thức
Mới chỉ có 9.000/37.000 tấn rác thải mỗi năm được thu gom, xử lý tại bãi rác Long Mỹ theo đúng quy định, lượng rác thải còn lại do người dân tự xử lý theo cách riêng. Ðó là thực trạng công tác vệ sinh môi trường nông thôn trên địa bàn huyện Tuy Phước, trong đó có các xã đã đạt chuẩn NTM.
Để đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn (VSMTNT), các xã đã đạt chuẩn NTM ở Tuy Phước là Phước An, Phước Thành, Phước Nghĩa, Phước Hưng, Phước Lộc và Phước Sơn đều triển khai nhiều biện pháp, trong có việc vận động người dân thu gom rác thải tại nhà đưa ra điểm tập kết và thuê phương tiện vận chuyển đưa đi xử lý. Tuy nhiên, số hộ tham gia và lượng rác thải thu gom để xử lý không nhiều; tình trạng vứt rác ra môi trường vẫn phổ biến.
Phước Hưng được đánh giá là một trong những địa phương thực hiện tốt công tác VSMTNT, nhưng việc duy trì dịch vụ thu gom và xử lý rác thải trong các khu dân cư còn gặp nhiều khó khăn. Ông Lê Anh Duy, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Hưng, cho biết: Để đảm bảo VSMTNT, xã đã thuê 27 lao động thu gom rác thải và hợp đồng với Ban quản lý Nước sạch & VSMTNT huyện thu gom, vận chuyển rác thải để xử lý; đến nay có 2.100/3.400 hộ tham gia. Lượng rác của các hộ nói trên đã được thu gom, xử lý theo đúng quy định; song việc duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí môi trường gặp không ít khó khăn, bởi phí dịch vụ vệ sinh môi trường thu theo quy định thấp hơn nhiều so với chi phí thu gom, đưa rác thải đi xử lý, xã phải bù lỗ bình quân 10 triệu đồng/tháng cho dịch vụ này.
Ông Nguyễn Như Giàu, Chủ tịch UBND xã Phước Sơn, cho hay: Nhận thức của người dân địa phương về vệ sinh môi trường còn hạn chế, tình trạng vứt rác bừa bãi diễn ra phổ biến. Hơn nữa, đường làng nhỏ hẹp, xe chuyên dụng thu gom, vận chuyển rác không đến được, nên xã mới chỉ thu phí thu gom rác thải của 1.376 hộ sinh sống ở gần các trục đường chính, chiếm 15% tổng số hộ toàn xã. Mỗi tháng xã phải trích ngân sách từ 6 - 7 triệu đồng để chi trả cho đơn vị thu gom và xử lý rác.
Thực hiện dịch vụ thu gom và xử lý rác thải, Ban quản lý Nước sạch & VSMTNT huyện Tuy Phước cũng thu không đủ bù chi. “Lượng rác thải mỗi năm trên địa bàn huyện khoảng 37.000 tấn, trong đó có 9.000 tấn được thu gom, xử lý tại bãi rác Long Mỹ. Hoạt động này gặp nhiều khó khăn, bởi địa bàn rộng, đường làng nhỏ hẹp, phương tiện không đến nơi được, nên các xã chỉ hợp đồng thu gom ở các tuyến đường chính. Giá trị hợp đồng thấp, trong khi chi phí công lao động, xăng dầu và phí xử lý rác thải khá cao, nên năm nào đơn vị cũng bị thâm hụt 500 triệu đồng, phải lấy nguồn thu từ dịch vụ sử dụng nước sạch để bù vào nhằm duy trì công tác thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn huyện. Tình trạng này kéo dài gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động của đơn vị”, ông Nguyễn Thanh Hoàng, Trưởng Ban quản lý Nước sạch & VSMTNT huyện Tuy Phước, giãi bày.
PHẠM TIẾN SỸ