Chung tay giúp người lầm lỡ
Tổ chức dạy nghề, định hướng nghề nghiệp ngay tại trại giam; tiếp nhận, quản lý, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù về cộng đồng…, rất nhiều đầu việc đã được các địa phương, hội, đoàn thể chung tay thực hiện để những người từng lầm lỡ làm lại cuộc đời.
Tính từ năm 2011 - thời điểm bắt đầu thực hiện Nghị định số 80/2011/NĐ-CP (quy định các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù (CHXAPT)) đến năm 2017, có 8.786 người CHXAPT về cư trú ở Bình Định (có 4.389 người còn án tích). Trong đó, có 545 người được địa phương giới thiệu việc làm; 247 người được hỗ trợ đào tạo nghề; 232 người được hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách; 1.029 người được tư vấn tự tìm kiếm việc làm…
Từ mô hình “8+1”…
Điển hình trong quá trình thực hiện Nghị định 80 là mô hình Ban Chỉ đạo hoạt động liên tịch “8+1” của phường Lê Lợi, TP Quy Nhơn. 8 thành phần liên tịch tham gia mô hình gồm Ủy ban MTTQ Việt Nam, Hội CCB, Hội LHPN, Đoàn thanh niên, Bảo vệ dân phố, CA phường, Ban CHQS phường, Hội Người cao tuổi. Ở mỗi khu vực, lực lượng này phải quản lý, giáo dục nhiều loại đối tượng, mỗi năm giúp đỡ tiến bộ, tái hòa nhập cộng đồng ít nhất 1 đối tượng.
Theo ông Nguyễn Ron, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Lê Lợi, 8 thành phần liên tịch ở 10 khu vực đã tiến hành khảo sát, rà soát nắm chắc tình hình và lên danh sách đối tượng trong diện cần tái hòa nhập cộng đồng. Từ đó, quản lý, giáo dục và phân công cụ thể cho mỗi thành viên phối hợp cùng gia đình quản lý, giúp đỡ họ bằng những việc thiết thực. Trên cơ sở kết quả điều tra, khảo sát từ năm 2002 đến năm 2012 và bổ sung số người CHXAPT về địa phương từ sau năm 2012, đến nay trên địa bàn phường có 55 người CHXAPT, 14 người được đặc xá tha về.
Với sự vào cuộc tích cực, đồng bộ, tỉ lệ người chấp hành xong án phạt tù (số còn án tích) tái phạm và vi phạm pháp luật trong giai đoạn 2011- 2017 trên địa bàn tỉnh chỉ dao động từ 0,3% đến 1,3%.
“Các thành phần liên tịch đã tham gia cảm hóa, giáo dục nhiều trường hợp vi phạm pháp luật tại địa phương; trong đó có 3 người CHXAPT thực sự tiến bộ, là người hoàn lương tiêu biểu, vượt khó vươn lên làm giàu cho bản thân, gia đình và giúp ích cho xã hội”, ông Ron cho hay.
Mô hình này đã được Bộ CA mời dự Hội nghị biểu dương mô hình, cá nhân điển hình về tái hòa nhập cộng đồng đối với người CHXAPT tổ chức tại Hà Nội vào tháng 10.2014 và được nhận Bằng khen của Bộ CA.
…Và hơn thế nữa
Xác định rõ tầm quan trọng của công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người CHXAPT, giảm tình trạng tái phạm, thời gian qua, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành tham mưu với chính quyền địa phương, đồng thời phối hợp tích cực cùng các ngành chức năng làm tốt công tác tiếp nhận, quản lý, giúp đỡ để người CHXAPT xóa bỏ mặc cảm, sớm ổn định cuộc sống.
Trong đó, với vai trò nòng cốt, CA tỉnh đã phân công cụ thể trách nhiệm của từng công an đơn vị, địa phương chủ động phối hợp với các ngành, các cấp và chính quyền địa phương làm tốt công tác trao đổi thông tin có liên quan đến người CHXAPT để tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp đỡ. Ngành Tư pháp chủ động cập nhật thông tin về xóa án tích và thực hiện việc cấp phiếu lý lịch tư pháp, tạo điều kiện cho người CHXAPT tái hòa nhập cộng đồng...
Trong khi đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ, tư vấn, giới thiệu việc làm cho người CHXAPT khi trở về địa phương. Qua triển khai, đã có hơn 100 thanh niên tham gia các hoạt động do Hội LHTN Việt Nam các cấp tổ chức, với nội dung giữ gìn ANTT ở thôn, khu phố, giao lưu, tọa đàm, diễn đàn… Hội LHPN tỉnh đã tiếp nhận, giới thiệu cho Hội LHPN TP Quy Nhơn và các huyện Phù Cát, Tây Sơn, Tuy Phước, Hoài Ân 15 trường hợp người CHXAPT về địa phương để tạo điều kiện, động viên, giúp đỡ họ vay vốn để phát triển kinh tế gia đình ổn định cuộc sống.
Đáng chú ý, Tỉnh đoàn đã chỉ đạo Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giới thiệu việc làm Thanh niên tỉnh mở 2 lớp sơ cấp nghề (cơ khí - hàn) cho 30 phạm nhân. “Bên cạnh đó, Trung tâm còn tổ chức tư vấn, hướng nghiệp cho 1.392 phạm nhân sắp CHXAPT. Với đối tượng đặc thù này, việc dạy nghề, hướng nghiệp có không ít khó khăn, nhưng ý thức được ý nghĩa của việc giúp thanh niên lầm lỡ sớm hòa nhập cộng đồng, chúng tôi luôn nỗ lực hết mình”, Giám đốc Trung tâm Trần Hữu Hiệu chia sẻ.
NGUYỄN VĂN TRANG