Chiến trường Bình Định: Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968
Trong lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước oanh liệt của dân tộc ta ở thế kỷ 20, Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 diễn ra trên phạm vi toàn miền Nam và trong đó có chiến trường Bình Định là điển hình cho thực tiễn vô cùng phong phú, sinh động của lịch sử tiến hành chiến tranh cách mạng “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, giải phóng quê hương của Đảng bộ, quân và dân tỉnh nhà, đồng thời để lại nhiều bài học sâu sắc không những có giá trị về lịch sử trong cách mạng dân tộc dân chủ mà còn có ý nghĩa thực tiễn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Xã hội Chủ nghĩa trong mấy chục năm qua.
Đảng bộ, quân, dân Bình Định đã đóng góp phần về nhân tài, vật lực, góp phần nhỏ bé làm nên mốc son chói lọi, đánh dấu bước ngoặt lớn của cuộc trường chinh vĩ đại của dân tộc. Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968, đã làm cho nước Mỹ rúng động, lan rộng ra cả thế giới, làm cho chiến lược "chiến tranh cục bộ" của Mỹ bị phá sản, lung lay ý chí xâm lược của giới cầm quyền Mỹ; tuy có những tổn thất, nhưng Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, đã góp phần quan trọng cho Hội nghị đàm phán 4 bên tại Pari (1969), tạo tiền đề cho công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 1975.
Sau 50 năm nhìn lại, 2 cuộc phản công chiến lược mùa khô của Mỹ - ngụy (1965 - 1966 và 1966 - 1967) bị quân và dân ta đánh bại, lực lượng ta gặp nhiều khó khăn về quân số cũng như trang bị khí tài, khả năng tiếp tế cũng dần hạn chế nhưng cục diện chiến trường tiếp tục chuyển biến có lợi cho cách mạng miền Nam. Quân và dân miền Nam vẫn giữ thế chủ động chiến trường, chiến tranh nhân dân phát triển đều khắp trên cả 3 vùng chiến lược. Trong lúc này Đảng ta nhận định: Sức mạnh của Mỹ có thể sử dụng được trong cuộc chiến tranh xâm lược là sức mạnh bị hạn chế, còn những chỗ yếu của Mỹ là những chỗ yếu không thể khắc phục được. Từ nhận định này, Đảng ta chủ trương: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta lúc này cần phải tạo ra một bước chuyển biến lớn để đưa chiến tranh cách mạng miền Nam sang một thời kỳ mới, thời kỳ giành thắng lợi quyết định”.
Tháng 7.1967, Bộ Chính trị họp chủ trương mở các đợt hoạt động Thu - Đông 1967, nhằm đẩy địch lún sâu hơn nữa vào thế bị động, tạo ra thế và lực mới cho cách mạng miền Nam.
Tháng 12.1967, Bộ Chính trị họp ra Nghị quyết về tổng công kích, tổng khởi nghĩa. Tháng 1.1968 Nghị quyết Bộ Chính trị được Hội nghị lần thứ 14 Ban chấp hành Trung ương Đảng thông qua. Qua phân tích tình hình địch - ta, tình hình trong nước và trên thế giới, Bộ Chính trị hạ quyết tâm: “chuyển cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân ta ở miền Nam sang một thời kỳ mới, thời kỳ giành thắng lợi quyết định”. Để thực hiện hiện quyết tâm chiến lược đó, “nhiệm vụ trọng đại và cấp bách của ta trong thời kỳ mới là động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta ở cả hai miền Nam Bắc, đưa cuộc chiến tranh cách mạng lên bước phát triển cao nhất, dùng phương pháp tổng công kích và tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định” [1] .
Tại Bình Định, với vị trí chiến lược quan trọng, nhất là những thắng lợi to lớn giành được trong “chiến tranh đặc biệt”, Bình Định trở thành một trong những địa bàn trọng điểm để Mỹ triển khai chiến lược “chiến tranh cục bộ” và kế hoạch “tìm diệt”. Cuối năm 1965, trong số 204.000 quân Mỹ và chư hầu đã vào miền Nam, thì riêng Bình Định hơn 20.000 quân với nhiều đơn vị sừng sỏ.
Đến năm 1968, ở Bình Định, quân số địch tăng lên 65.000 tên (toàn khu có 376.000 tên) gồm: lữ đoàn 2 kỵ binh bay Mỹ, 2 trung đoàn thuộc sư đoàn Mãnh Hổ, 1.760 quân Thái Lan và Úc, 2 chiến đoàn dù và lính thủy đánh bộ, hai trung đoàn 40 và 41 thuộc sư đoàn 22 ngụy, cùng 15 chi đoàn xe tăng và bọc thép, 400 máy bay, 153 khẩu pháo, 2 đội hải thuyền, 179 cứ điểm. Quân địa phương có 63 đại đội bảo an, biệt kích và cảnh sát, 218 trung đội dân vệ và thanh niên chiến đấu, 46 đoàn “bình định”.
Từ 28.12.1967 - 25.1.1968, hai trung đoàn Nam Triều Tiên đánh phá dữ dội vùng Núi Bà, đông nam Phù Cát và đông bắc An Nhơn. Phía bắc tỉnh, hai trung đoàn 40 và 41 ngụy càn dọc quốc lộ 1, lữ đoàn 2 kỵ binh Mỹ càn đông nam Hoài Ân và tây Phù Mỹ, gây không ít khó khăn cho ta trong việc chuẩn bị mọi mặt cho cuộc tiến công và nổi dậy.
Trước tình hình đó, mặt trận Bình Định, đặc biệt thị xã Quy Nhơn lúc bấy giờ, là một trong những trọng điểm nổi dậy của Khu V trong Xuân 1968, Khu đã cử cán bộ về giúp Đảng bộ Bình Định trong công tác chuẩn bị.
Để đẩy mạnh các hoạt động Đông - Xuân 1967 - 1968, tháng 11.1967, Tỉnh ủy Bình Định tổ chức cuộc họp mở rộng. Sau khi nghiên cứu quán triệt Nghị quyết Bộ Chính trị (6.1967) và Nghị quyết Thường vụ Khu ủy (9.1967), hội nghị đề ra phương hướng, nhiệm vụ sắp đến của Đảng bộ: “động viên toàn Đảng bộ và nhân dân toàn tỉnh nỗ lực phi thường, quyết tâm cao thực hiện nhiệm vụ công kích và khởi nghĩa bằng 3 mũi giáp công thật mạnh mẽ để phối hợp với toàn khu và toàn miền hoàn thành nhiệm vụ trong Xuân 1968”. [2]
Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ban chỉ đạo Mặt trận Bình Định được thành lập để thống nhất chỉ huy các mặt hoạt động. Tiếp đó, Đảng bộ mở một đợt chỉnh huấn sâu rộng trong Đảng, lực lượng vũ trang, quần chúng nhằm quán triệt sâu sắc tinh thần, chủ trương và Nghị quyết của Trung ương Đảng, của Khu ủy, Tỉnh ủy về tổng tiến công và nổi dậy trong Xuân Mậu Thân đến từng xã trong vùng giải phóng.
Lực lượng vũ trang trong tỉnh được phân công trên các hướng sau: Trung đoàn 2 và 22 công kích trung đoàn 41 ngụy tại quận lỵ Phù Mỹ; trung đoàn 12 công kích quận lỵ Phù Cát, ép địch ở Đập Đá, tháp Bánh Ít và ngăn chặn không cho chúng vào giải tỏa Quy Nhơn. Trung đoàn 10 đánh địch ở khu vực Cù Mông - Phú Tài, chặn địch từ Phú Yên ra Quy Nhơn. Tiểu đoàn 52 đánh địch tại Phước Long, Phước Hậu giữ bàn đạp và làm dự bị cho các đơn vị đánh Quy Nhơn. Tiểu đoàn 50 và Đ10, các đại đội 30, 598 đảm nhận nhiệm vụ công kích vào thị xã Quy Nhơn. Những đơn vị còn lại của tỉnh và bộ đội địa phương các huyện có nhiệm vụ công kích địch tại địa phương mình.
Trong quá trình chuẩn bị, ta đã gặp một số khó khăn. Thực lực 3 mũi giáp công, nhất là 3 thứ quân bị tổn thất trong 2 mùa khô chưa kịp củng cố. Trung đoàn chủ lực chỉ còn vài trăm chiến sĩ, có tiểu đoàn không tới 100 tay súng. Các cuộc càn quét, tập kích, bắn pháo và ném bom diễn ra ác liệt, dai dẳng ở Núi Bà, hành lang đông - tây, làm cho việc tiếp tế hậu cần, triển khai lực lượng gặp rất nhiều khó khăn.
Tình hình còn khó khăn hơn khi gần ngày hành động, các bàn đạp tiến công Quy Nhơn ở Phước Sơn, Phước Thuận, Phước Hậu, Hưng Thạnh, Lương Nông liên tục bị càn quét. Cơ sở ở khu 1, 4, 5 (thị xã Quy Nhơn) và cơ sở ở Cát Chánh (Phù Cát) bị địch đánh phá. Mãi đến ngày 23.1.1968, đoàn cán bộ khu và tỉnh mới bám được vùng ven Quy Nhơn. Gần đến giờ nổ súng, cơ quan Thị ủy và Thị đội Quy Nhơn bị địch đánh phá. Đồng chí Biên Cương, Bí thư thị ủy, người nắm kế hoạch hành động trong thị xã bị bắt. Đánh hơi thấy sự chuẩn bị của ta, địch thiết quân luật trong thị xã, cấm thuyền bè đi lại trên đầm Thị Nại, tăng lực lượng cảnh sát dã chiến, tăng quân Mỹ bảo vệ dinh tỉnh trưởng và các vị trí then chốt, thành lập lực lượng cảnh sát hỗn hợp Mỹ - Việt - Triều. Trước giờ nổ súng, sự liên lạc giữa trên với dưới, giữa phía trước với phía sau, giữa bên trong và bên ngoài thị xã bị gián đoạn, Mặt trận Quy Nhơn không nhận được lệnh hoãn giờ nổ súng.
Vào đêm 30 rạng ngày 31.1.1968, từ vĩ tuyến 17 đến mũi Cà Mau, quân và dân miền Nam đã tiến hành đồng loạt cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân Mậu Thân 1968. Nhờ yếu tố bất ngờ, ta đã đánh mạnh vào bộ máy chiến tranh của Mỹ - ngụy ở 64 thành phố, thị xã, huyện lỵ, chi khu quân sự cùng hàng trăm sân bay, kho tàng, khu hậu cần dự trữ chiến lược của địch.
Chấp hành mệnh lệnh của Đảng, hòa chung với khí thế của toàn miền Nam, quân dân Bình Định với tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, nhất loạt tiến công và nổi dậy tại hầu hết các quận lỵ, thị trấn, thị xã, sân bay, kho tàng, căn cứ xung yếu của địch trong tỉnh.
Tại trọng điểm Quy Nhơn, do không nhận được lệnh điều chỉnh giờ nổ súng, nên 3 giờ sáng ngày 30.1.1968 (tức đêm giao thừa), các cánh quân của ta từ nhiều hướng đánh thốc vào thị xã. Trong khi tiểu đoàn 50 và đơn vị đặc công Đ10 cùng lúc tiến công, nhanh chóng chiếm lĩnh các vị trí quan trọng trong thị xã, như dinh tỉnh trưởng, đài phát thanh, quân vụ thị trấn, ga xe lửa, đồn cảnh sát Bạch Đằng,... thì trung đoàn 10 đánh chiếm đèo Cù Mông. Khi quân ta chiếm lĩnh đài phát thanh và các mục tiêu khác ở trung tâm thị xã, hơn 1.000 đồng bào cùng bộ đội lập chướng ngại vật trên khắp các đường phố chính. Quần chúng ở các khu lao động sẵn sàng nổi dậy.
Sau thời khắc bất ngờ, địch bắt đầu tổ chức phản kích với lực lượng lớn. Trận chiến đấu chốt giữ đài phát thanh trong 7 ngày đêm là trận chiến tiêu biểu nhất. Tại đây, chiến sự xảy ra vô cùng ác liệt, Đ10 đặc công đã bắt 200 tù binh và trụ lại đến ngày 5.2.1968, đánh lui 4 đợt phản kích của địch, diệt 130 tên. Đồng chí Bí thư Thị ủy Biên Cương được giải thoát khi ta chiếm Quân vụ thị trấn, tiếp tục chỉ đạo, cùng chiến đấu với bộ đội và đã anh dũng hy sinh. Đồng chí tiểu đoàn trưởng Võ Mười cùng với các chiến sĩ của Đ10 đặc công chiến đấu kiên cường đến viên đạn cuối cùng và hy sinh. Gương chiến đấu kiên cường của các đồng chí là biểu tượng sáng ngời về tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của quân và dân Bình Định trong Xuân Mậu Thân.
Trong các ngày 1 và 2.2.1968, ta đẩy lùi hàng chục đợt phản kích của 10 tiểu đoàn quân Mỹ, ngụy và Nam Triều Tiên từ ngoài kéo vào ứng cứu. Mặc dù địch ra lệnh cấm đốt pháo, quần chúng trong các khu lao động của thị xã vẫn đốt pháo vang trời, hòa với tiếng súng tiến công của ta, khiến địch thêm hỗn loạn. Mặt khác, công nhân nhà máy điện và nhà máy nước tự động cắt điện nước 3 ngày liền.
Cùng thời gian, Sư đoàn 3 và lực lượng vũ trang các huyện công kích vào các quận ly, thị trấn và căn cứ địch.
Tại Tuy Phước, cùng đêm nổ súng, hơn 1.000 quần chúng các xã Phước Hậu, Phước Sơn, Phước Hòa với băng rôn, cờ và khẩu hiệu trong tay tiến vào thị xã. Khi đến Chợ Dinh bị địch bắn chặn, nhưng quần chúng vẫn gan dạ tiến vào tấn công binh vận.
Tại Phù Mỹ, đêm 29.1.1968, khi bộ đội chủ lực cắt rào, ém sát quận lỵ Phù Mỹ thì nhận được lệnh điều chỉnh giờ nổ súng, phải rút ra. Địch phát hiện bao vây, truy kích gây thiệt hại cho ta. Do đó, sáng 31.1.1968, từ phương án công kích quận lỵ ta chuyển sang tiêu diệt địch ngoài quận lỵ ở Đèo Nhông, Mỹ Hòa, Mỹ Trinh, Rừng Quán.
Tại Hoài Nhơn, đêm 31.1 rạng ngày 1.2.1968, lực lượng vũ trang địa phương cùng lúc tiến công địch ở An Đông, sân bay Nhà Thờ Dốc, căn cứ Đệ Đức, Tam Quan.
Tại Bình Khê, ta đánh vào chi công an và các đồn Phú Mỹ, Phú Thọ, Đồng Phó, Bình Giang, Bình Tường… Các quận lỵ Phù Cát, An Nhơn, Hoài Ân cùng bị ta pháo kích và tiến công.
Phối hợp với công kích vũ trang, hàng vạn quần chúng tại Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, Tuy Phước… ào ạt xuống đường.
Tiếp theo từ ngày 21 - 29.2.1968, lực lượng vũ trang trong tỉnh lại nổ súng, tập kích sư đoàn bộ binh 22 và khu vực Mỹ đóng quân ở Đèo Son (Quy Nhơn), công kích địch ở một số quận lỵ và thị trấn. Ta kịp thời lãnh đạo quần chúng chuyển sang phá kẹp, giành quyền làm chủ ở 49 thôn với hơn 20.000 dân. Trong đó nổi lên các huyện Phù Mỹ (19 thôn của 7 xã), Tuy Phước (15 thôn thuộc 5 xã), An Nhơn (9 thôn thuộc 5 xã). Đến thời điểm này, Hoài Nhơn làm chủ gần 10 vạn dân, trong đó có 6 xã làm chủ hoàn toàn, Phù Mỹ làm chủ 8 vạn dân. Các nơi khác phần lớn là số dân đang tranh chấp. Vùng giải phóng và vùng tranh chấp mở rộng sát quận lỵ, thị xã. Vùng giải phóng nối từ bắc Hoài Nhơn đến Vĩnh Lợi (Mỹ Thành - Phù Mỹ), từ Núi Bà đến gần Quy Nhơn.
Tính từ ngày 30.1 - 29.2.1968, trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân Bình Định, đã loại khỏi vòng chiến đấu 4.317 tên địch. Riêng các lực lượng địa phương diệt 3.029 tên; bắn rơi và phá hủy 33 máy bay, 163 xe quân sự (có 34 bọc thép), phá 12 kho đạn gồm 70 tấn...
Có được những thắng lợi trên là do Đảng bộ đã kịp thời xác định quyết tâm đánh Mỹ và sớm biến quyết tâm của Đảng bộ thành quyết tâm sắt đá của quân dân toàn tỉnh. Quyết tâm thắng Mỹ và chư hầu được thể hiện mạnh mẽ trong lực lượng cách mạng địa phương (vũ trang, chính trị, binh vận), từ cán bộ và đảng viên, các ngành, các giới đến mọi người dân, mọi lứa tuổi trên cả 3 vùng. Cho nên, trước bước ngoặt hiểm nghèo của chiến tranh, phong trào cách mạng trong tỉnh không hề chùn xuống mà vẫn tiếp tục phát triển.
Phân tích nguyên nhân dẫn đến thắng lợi trên, Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ VII (11.1968 tại Vĩnh Thạnh) kết luận: Đó là nhờ đường lối, phương châm, phương hướng đánh Mỹ của Đảng đúng đắn và sự vận dụng sáng tạo, linh hoạt đường lối đó của Đảng bộ tỉnh vào tình hình cụ thể của địa phương. Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong tỉnh trên dưới một lòng sắt son với Đảng, với Bác Hồ, dũng cảm, ngoan cường vượt qua muôn vàn khó khăn và hy sinh, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đồng thời có sự chi viện tích cực của đồng bào Hà Tĩnh kết nghĩa, sự ủng hộ của đồng bào miền Bắc ruột thịt và nhất là sự phối hợp chiến đấu có hiệu quả của Sư đoàn 3 sao vàng, cùng các chiến trường trong khu V và toàn miền Nam.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả trên Đảng bộ đã kịp thời rút ra một số hạn chế chưa dẫn đến thành công trọn vẹn đó là: Sự chuẩn bị lực lượng chưa kỹ, công tác chuẩn bị nội bộ chưa đầy đủ (phương châm, phương thức, việc vận chuyển vũ khí, lương thực cho các hướng trọng điểm chưa đáp ứng yêu cầu…), nên thiếu kịp thời đề ra những biện pháp có hiệu quả; Thời điểm tấn công chưa thống nhất; Kế hoạch công kích quân sự và nổi dậy còn đơn giản, đòn tiến công của chủ lực chưa đạt yêu cầu, nổi dậy ở Quy Nhơn và các quận lỵ chưa mạnh; Đánh giá không đúng tình hình địch - ta, một chiều nhấn mạnh giành thắng lợi quyết định, công tác tư tưởng còn chủ quan, không những chưa lường hết âm mưu, thủ đoạn thâm độc của địch mà còn lúng túng giữa chuẩn bị khởi nghĩa thị xã với chống càn quét lấn chiếm của địch.
Nhưng những thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là thắng lợi có ý nghĩa chính trị và quân sự to lớn. Bình Định là một chiến trường trọng điểm “tìm diệt” của địch, nhưng đã góp phần đắc lực với toàn khu, toàn miền đánh bại chiến lược chiến tranh đặc biệt và 2 cuộc phản công mùa khô của địch, giành thắng lợi trong tổng tiến công và nổi dậy. Đặc biệt, trong cuộc tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, lực lượng địa phương đã hoàn thành nhiệm vụ tập kích táo bạo vào nội thị Quy Nhơn, đưa chiến tranh nhân dân vào tận sào huyệt của địch ở địa phương.
Qua cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, có thể khẳng định rằng đây là thắng lợi của thế trận lòng dân, thế trận chiến tranh nhân dân. Dù gặp tình thế khó khăn nhất, nếu các lực lượng cách mạng kiên trì thế tiến công và bám trụ trong dân, thì phong trào cách mạng vẫn tồn tại và tiến lên giành thắng lợi. Thế trận lợi hại này hình thành trong cuộc chiến chống “chiến tranh đặc biệt” và phát triển trong cuộc chiến chống “chiến tranh cục bộ”. Nhờ giải quyết tốt vấn đề cơ bản trên, nên Đảng bộ đã huy động được sức mạnh toàn dân, không chỉ trong xây dựng và củng cố căn cứ địa miền núi, hệ thống chiến đấu đồng bằng, cũng như các hành lang bàn đạp, căn cứ lõm vùng sâu, vùng ven và nội thị, mà còn phát động mạnh mẽ phong trào chiến tranh du kích trên 3 vùng, phát huy thế chủ động tiến công 3 mũi, giành được thắng lợi lớn qua các giai đoạn.
Quân và dân Bình Định góp phần cùng quân và dân miền Nam đã giành thắng lợi quan trọng, đánh bại cố gắng lớn về quân sự của Mỹ; giáng một đòn quyết định, làm phá sản chiến lược “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh, rút dần quân về nước, chấm dứt ném bom bắn phá miền Bắc và chấp nhận đàm phán với ta ở Hội nghị Pa-ri (1968-1973); góp phần làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, làm cho “quân đội Mỹ còn nguyên vẹn về thể xác nhưng tinh thần dao động hết rồi” như nhận xét của Mai-cơn Mác-lia trong tác phẩm Việt Nam cuộc chiến tranh mười nghìn ngày. Cục diện “vừa đánh vừa đàm” đã được mở ra trên thực tế. Sự kết hợp giữa đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị và đấu tranh ngoại giao của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, từ đây trở nên chặt chẽ và hiệu quả hơn, tạo bước ngoặt mới cho sự phát triển của cách mạng miền Nam.
Kề thừa và tiếp bước ý chí tiến công, quyết chiến, quyết thắng cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968; Đảng bộ, quân dân Bình Định nguyện một lòng đi theo Đảng, xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, triển khai, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, phấn đấu xây dựng Bình Định trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực miền Trung.
Lê Phương
[1]Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Định 1954 - 1975.
[2]Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Định 1954 - 1975.